Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 trong nước đã lên tới ngưỡng khoảng 13.000 trường hợp/ngày thời gian gần đây. So với khoảng 5.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11, số lượng F0 đã tăng lên đáng kể chỉ sau chưa đầy 30 ngày.
Trước đó, các chuyên gia lý giải nguyên nhân của tình trạng này đến từ sự biến động dân cư sau khi nhiều tỉnh, thành phố có dịch nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, song song với số F0 tăng, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 của một số tỉnh còn ở mức thấp.
Số F0 tăng cao tại một số địa phương, nhiều ca diễn biến nặng
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Cần Thơ, trong ngày 26/11, thành phố đã ghi nhận thêm tổng cộng 1.067 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 279 ca nhiễm được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Tính từ này 8/7 đến nay, Cần Thơ đã có 22.398 F0. Bên cạnh gần 11.000 trường hợp khỏi bệnh, các cơ sở y tế của thành phố đang phải điều trị cho hơn 10.000 nhiễm virus. Đáng chú ý, 83 người trong số này phải thở oxy mặt nạ, 18 ca thở oxy dòng cao (HFNC), 5 trường hợp thở máy không xâm lấn và 19 bệnh nhân thở máy xâm lấn.
Trước tình hình dịch phức tạp cùng chủ trương thích ứng linh hoạt với SARS-CoV-2, thành phố Cần Thơ đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Kết quả cho thấy 80,4% dân số Cần Thơ đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó, 65,6% người dân đã tiêm đủ 2 mũi.
Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho trẻ em 12-17 tuổi đạt 75,9%.
Nguyên nhân F0 tăng nhanh tại Cần Thơ là do ý thức của người dân chưa cao, chủ quan về việc đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
“Ngoài ý thức của người dân chưa cao, F0 tăng nhanh là do có ca nhiễm nCoV trong doanh nghiệp khiến dịch bùng phát nhanh, số lượng lớn”, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đánh giá.
Tây Ninh cũng đã thống kê và ghi nhận số ca dương tính với nCoV trong ngày 26/11 cao hơn 5 trường hợp so với ngày trước đó (608 ca). Trong đó, số ca cộng đồng lên tới 605 người, 3 trường hợp còn lại từ khu cách ly tập trung.
Thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu là 2 địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất với lần lượt 227 và 113 trường hợp dương tính mới. Riêng thị xã Trảng Bàng có số ca tăng cao hơn ngày 25/11 lên tới 191 người.
Một gia đình người dân trên đường từ Đồng Nai trở về sau dịch. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Về công tác điều trị, các cơ sở y tế tại Tây Ninh đang tiếp nhận 12.764 trường hợp nhiễm nCoV. Bên cạnh hơn 1.200 ca được xuất viện, ngày 26/11, tỉnh này cũng đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong do Covid-19.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, 95,95% người dân trên 18 tuổi tại Tây Ninh đã được tiêm một mũi vaccine. Trong khi đó, tỷ lệ này với mũi 2 là 75,19%.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, số ca nhiễm nCoV trong ngày 26/11 vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao khi địa phương này ghi nhận 653 trường hợp dương tính với virus. Thành phố Vũng Tàu là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày với 383 trường hợp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng. Một số người dân còn chủ quan trong khi nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ trong giám sát việc tuân thủ quy trình chống dịch.
Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine là 89,93%.
24 giờ qua, Bạc Liêu có thêm 566 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 232 người là ca cộng đồng. Thành phố Bạc Liêu là địa phương ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất khi xác định tới 100 trường hợp dương tính mới trong ngày 26/11.
Về tỷ lệ tiêm chủng, dù đã đạt 94,99% người trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine, Bạc Liêu mới bao phủ mũi 2 được cho 56,3% nhóm này.
Đồng Tháp trong ngày 26/11 cũng phát hiện thêm 601 ca nhiễm mới. Trong đó, số ca cộng đồng là 225 trường hợp, phân bổ đông nhất tại huyện Lai Vung với 95 người. Tỉnh đang điều trị cho 6.410 F0, trong số này có 46 trường hợp diễn biến rất nặng.
Song song với đó, Đồng Tháp đã bao phủ mũi một vaccine phòng Covid-19 cho 91,15% người dân trên địa bàn. Với mũi 2, tỷ lệ này là 64,13%.
Vĩnh Long cũng là một trong những địa phương đang có tình hình dịch khá phức tạp khi vừa ghi nhận 536 ca nhiễm mới sau 24 giờ qua. Trong đó, 327 người được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng.
Tỷ lệ người dân trên 18 tuổi của Vĩnh Long được tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 đến nay đã đạt 77,48%.
Trong 24 giờ qua, Sóc Trăng có thêm 588 F0 mới, tăng 56 trường hợp so với ngày trước. Số ca mắc Covid-19 vừa phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (388) cũng tăng 135 trường hợp, tập trung nhiều tại Kế Sách, Châu Thành, TP Sóc Trăng…
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 56 cơ sở điều trị Covid-19 tầng một, 4 bệnh viện tầng 2 và 3 với tổng khả năng điều trị là 5.202 người. Hiện, tầng một tại tỉnh này có 4.571 F0, 2 tầng còn lại 332 ca bệnh.
Đến nay, Sóc Trăng đã tiêm 1.559.855/1.782.684 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ. Trong đó, dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi một đạt 92,63%, mũi 2 là 76,19%.
Trong 24 giờ, ngành y tế Sóc Trăng tiêm vaccine mũi một cho 920 người từ 12-17 tuổi, lũy kế 94.004 người. Nhóm tuổi này đã có 16.446 người được tiêm mũi 2.
Tại Cà Mau, hai ngày qua, F0 mới tăng từ 287 lên 374 trường hợp. Trong đó, 15 ca đã tiêm 2 mũi vaccine, 11 người tiêm mũi 1, 55 F0 chưa tiêm và 293 trường hợp chưa rõ thông tin. Dân số tiêm vaccine phòng Covid-19 ít nhất một mũi tại Cà Mau là 76,9% và 2 mũi là 56,9%.
Với số lượng ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh, cơ quan chức năng ở miền Tây kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, luôn tuân thủ 5K và những quy định hành chính được các địa phương áp dụng.
Tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine còn thấp
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 25/11, cả nước đã thực hiện được tổng cộng 2.409.817 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Qua đó nâng tổng số liều vaccine đã được tiêm lên 116.328.185 liều. Số lượng mũi một đã được tiêm là 68.934.236 liều, mũi 2 là 47.393.949 liều.
Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ mũi 2 cho người trên 18 tuổi tại một số tỉnh, thành phố còn thấp đang mang tới nhiều lo ngại về nguy cơ dịch.
Tại nhiều địa phương, tỷ lệ này vẫn ở mức dưới 50%:
Địa phương | Tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine Covid-19 |
Thanh Hóa | 28,83% |
Hải Dương | 39,66% |
Đắk Lắk | 30,76% |
Thái Bình | 27,16% |
Hải Phòng | 48,86% |
Nam Định | 31,99% |
Gia Lai | 33,9% |
Quảng Nam | 22,8% |
Bình Định | 36,28% |
Hà Tĩnh | 41,84% |
Thái Nguyên | 35,58% |
Sơn La | 19,57% |
Quảng Ngãi | 39,51% |
Thừa Thiên Huế | 42,72% |
Quảng Bình | 29,58% |
Hà Giang | 29,54% |
Tuyên Quang | 25,21% |
Điện Biên | 39,47% |
Kon Tum | 44,5% |
Cao Bằng | 46,41% |
Bắc Kạn | 47,45% |
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng cho biết qua theo dõi và giám sát, bên cạnh những địa phương đảm bảo tiến độ, một số tỉnh, thành phố còn tiêm chậm, để vaccine tồn kho. Một số địa phương cũng cập nhật thông tin tiêm chủng chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến kết quả chung.
Theo thống kê mới đây của Sở Y tế TP.HCM, trong số 151 người tử vong từ 19/11 đến 21/11, 75% trường hợp không tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi vaccine, 25% đã tiêm đủ 2 mũi.
Tại Hà Nội, trao đổi với Zing, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay số F0 diễn biến nặng điều trị ở cơ sở y tế này đã tương đương với thời điểm dịch căng thẳng nhất của làn sóng thứ 4 hồi tháng 5.
Đáng nói, những trường hợp này chủ yếu là người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi từ các địa phương khác chuyển đến. Đây cũng là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của họ kém hơn, dẫn đến diễn biến nặng.
Đây cũng là một trong những trăn trở lớn của các y bác sĩ khi rất nhiều bệnh nhân từ chối tiêm vaccine. Nhiều trường hợp trong số này là phụ nữ có thai. Việc không chịu tiêm vaccine dẫn đến diễn biến bệnh của họ rất nặng, đa phần rơi vào trạng thái suy hô hấp.