Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều di tích kiến trúc tại Thành nhà Hồ lần đầu lộ diện

Các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều di vật, cứ liệu quan trọng tại Thành nhà Hồ qua 6 tháng khai quật. Các di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình lần đầu được nhận diện rõ.

Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ vừa công bố kết quả thực hiện khai quật di tích Thành nhà Hồ với mục đích tìm hiểu một phần kiến trúc trung tâm Chính Điện và kiến trúc phía đông.

Tìm thấy nhiều di vật quan trọng

Theo đó, qua 6 tháng tiến hành khai quật tại 2 hố (diện tích khoảng 8.000 m2), các nhà khảo cổ học tìm thấy được nhiều di vật quan trọng.

Các nhà khảo cổ học nhận định địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2020 tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010 với sự xuất hiện các dấu tích kiến trúc và các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ.

lo dien nhieu kien truc thanh nha Ho anh 1

Các nhà khoa học kiểm tra kết quả khai quật. Ảnh: Q.A.

Về di tích, các nhà khảo cổ học xác định được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc…

Về di vật, vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ.

Quá trình khai quật cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần - Hồ và Lê Sơ.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (chủ nhiệm dự án), cho biết cuộc khai quật lần này có quy mô khá lớn. Vì thế, lần đầu tiên có thể nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình khác nhau của vương triều Hồ tại Thành nhà Hồ.

Cuộc khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê Sơ (thế kỷ 15), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-17) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành nhà Hồ trong lịch sử.

“Căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí có thể dự đoán hố khai quật ở khu vực Nền Vua làm lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm có kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 2 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Tên gọi Nền Vua, vị trí, quy mô và bố cục kiến trúc gợi ý có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu Trung tâm của Kinh đô nhà Hồ”, ông Tín nói.

lo dien nhieu kien truc thanh nha Ho anh 2

Nhiều di tích kiến trúc tại Thành nhà Hồ lần đầu được nhận diện rõ. Ảnh: Q.A.

Cũng theo các nhà khảo cổ học, các dấu tích ở hố khai quật phía Đông cho thấy kiến trúc của vương triều Hồ được nối tiếp thêm vào thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Theo dân gian gợi ý, có thể di tích ở khu vực này thuộc Đông Thái Miếu thờ tổ tiên nhà Hồ.

Tuy nhiên, để khẳng định được điều này, cần phải có nhiều nghiên cứu trong tương lai mới có thể kết luận. Bởi trong thành, ngoài Chính Điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu, chính sử còn ghi có nhiều cung điện khác như cung Phù Cực, cung Nhân Thọ...

Chú trọng khắc phục sạt lở

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đánh giá việc khai quật khảo cổ được tiến hành bài bản, nghiêm túc, khoa học và kết quả mang lại hết sức quan trọng.

Điều đó tiếp tục góp phần khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị các đơn vị có liên quan cần sớm hoàn thiện báo cáo khai quật. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ, bảo quản các hiện vật, các hố khai quật, tránh việc làm thất thoát và các hành vi xâm hại di sản.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chú trọng khắc phục tình trạng sạt lở các đoạn tường thành; tiếp tục triển khai công tác khai quật khảo cổ; tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng phần diện tích đất canh tác trong lòng di sản…

lo dien nhieu kien truc thanh nha Ho anh 3

Thành nhà Hồ. Ảnh: G.H.

Về phía địa phương, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đề xuất các giải pháp phù hợp để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.

Theo ông Tùng, qua 10 năm Thành nhà Hồ được công nhận Di sản văn hóa thế giới, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn di sản. Song, việc bố trí kinh phí cho công tác bảo tồn di sản vẫn còn hạn chế do khó khăn về nguồn lực.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm bố trí kinh phí và tích cực chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất và xây dựng các phương án cụ thể để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khai quật, bảo vệ, bảo quản các hiện vật nói riêng, di sản nói chung.

Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn Bộ VH-TT&DL tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để Thanh Hóa triển khai hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Nơi đây từng được xem là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Theo chính sử, thành được xây dựng chỉ trong 3 tháng, thể hiện trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên.

Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tường đá Thành nhà Hồ sạt lở

Nhiều vị trí tường đá của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ bị sạt lở do tác động của mưa bão. Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án tu sửa với kinh phí gần 15 tỷ đồng.

Đại sứ Mỹ: Thành Nhà Hồ là 'một phần di sản của toàn nhân loại'

Dự án bảo tồn Cổng Nam, Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa UNESCO, được tài trợ 92.500 USD từ Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP).

Quỳnh An - Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm