Theo AP, báo cáo từ Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết số lượng công ty nước ngoài bị yêu cầu chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi trong 2 năm qua, vi phạm cam kết của nước này trong việc mở cửa thị trường.
Muốn làm ăn tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 1, trước khi Mỹ và Trung Quốc bước vào "cuộc chiến" áp thuế trả đũa lẫn nhau, cứ 5 công ty tham gia khảo sát thì có 1 cho rằng mình bị ép buộc chuyển giao công nghệ, tăng 10% so với cuộc khảo sát tương tự vào năm 2017.
"Đây là rào cản trong quá khứ và vẫn đang tiếp diễn", Charlotte Roule, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nêu trong báo cáo. "Quá trình cải cách chính sách chậm chạp của Trung Quốc không chỉ kìm hãm phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy căng thẳng toàn cầu", ông nhận xét.
Chính quyền Mỹ quyết định tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì cho rằng nước này đánh cắp hoặc gây áp lực các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ.
Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác cũng đánh giá tương tự, đồng thời cho rằng hành vi đó vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường và đối xử bình đẳng với các công ty nước ngoài để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.
Trung Quốc không thừa nhận cáo buộc gây áp lực với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty sản xuất xe hơi, điện tử và các ngành công nghiệp khác muốn hoạt động ở Trung Quốc phải tham gia vào liên doanh do các công ty Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Do đó, họ phải chia sẻ công nghệ và bí quyết kinh doanh.
Chuyển giao công nghệ là một trong những khiếu nại Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nhận được nhiều nhất. Trong khi đó, 1/3 công ty được khảo sát không tin tưởng vào sự mở cửa của thị trường Trung Quốc trong tương lai.