Vấn đề đáng lo ngại đối với ngành bao bì Việt Nam được ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, được tổ chức tại TP.HCM hôm 18/3.
Doanh nghiệp nước ngoài mua thương hiệu bao bì Việt
Theo Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, tình hình dịch chuyển doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, trong đó có ngành in, nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ.
Tâm lý tự ti trước các đối thủ cạnh tranh lớn xâm nhập thị trường in ấn bao bì dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp bao bì có thương hiệu lớn của Việt Nam bị bán tháo.
Một ví dụ điển hình là vào cuối năm ngoái, Công ty Bao bì Biên Hòa - doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestle - đã bị TCG Solutions Pte.Ltd, một công ty con thuộc tập đoàn SCG của tỷ phú người Thái Lan, thâu tóm.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, tại hội nghị ngày 18/3. Ảnh: Duy Anh. |
Với thương hiệu SVI, công ty bao bì Biên Hòa là một trong 5 nhà cung cấp bao bì lớn nhất tại phía Nam, mức tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Công ty này có 3 nhà máy trực thuộc, với tổng công suất gần 100.000 tấn/năm.
Đây là công ty thứ hai bị tập đoàn SCG thâu tóm với vốn góp của một tập đoàn Nhật Bản, sau Công ty Bao bì nhựa Tín Thành, theo hình thức M&A - một hình thức mua bán, sáp nhật vốn diễn ra khá rầm rộ gần đây. Loạt doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bao bì đã lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước đó, tập đoàn SCG cũng chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu Công ty Giấy Kraft Vina (nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
Gần đây, họ vừa đạt được thỏa thuận mua lại 70% cổ phần của Công ty Sản xuất nhựa Duy Tân, nâng tổng số công ty trong mảng bao bì bị tập đoàn này thâu tóm tại Việt Nam lên con số 8, với tổng doanh thu vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Việc gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam thông qua M&A của SCG đã khiến thị phần bao bì lệch hẳn về phía doanh nghiệp nước ngoài.
Trong một báo cáo về ngành bao bì của FPTS (Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT), hầu hết doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn trong ngành này, bao gồm bao bì giấy và bao bì nhựa, đều thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, đứng đầu về bao bì giấy là Ojitex, Tohoku (Nhật Bản), YFY, Việt Long (Đài Loan, Trung Quốc) hay Alcamax, Tân Á (Thái Lan). Mảng bao bì nhựa là Bao bì Tân Tiến - Tapack (Hàn Quốc), Bitico (Thái Lan), J.S Packaging (Hàn Quốc), Huhtamaki (Phần Lan), Nga Mee hay Tong Yuan (Đài Loan, Trung Quốc).
Một nhà máy của Công ty Bao bì Biên Hòa. Ảnh: SVI. |
Nhiều doanh nghiệp hụt hơi
Tình trạng trên cho thấy nhiều vấn đề trong ngành bao bì. Trước hết, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, dù làm ăn tốt, có khách hàng, khi nước ta mở cửa, đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra hụt hơi, không đủ sức và tự tin vươn lên theo yêu cầu mới của thị trường.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại có tiềm lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, vốn, muốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam đã có sẵn nền tảng để chỉ cần đổ vốn và công nghệ vào là có thể phát triển tốt.
Doanh nghiệp Việt không đầu tư phát triển lên một tầm cao mới, dễ bị lép vế, mất thị trường, dẫn đến thua lỗ, dù quá khứ vẻ vang. Nhưng vấn đề phát triển không phải dễ dàng.
Qua đó, chúng ta thấy sự hụt hơi của các doanh nghiệp trong nước. Nếu các bộ, ngành không hỗ trợ, việc doanh nghiệp phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng lan rộng.
Khi hội nhập quốc tế, Việt Nam phải tuân thủ luật pháp và các cam kết trong các hiệp định thương mại, không thể dùng biện pháp hành chính để cưỡng ép nhưng rõ ràng chúng ta có thể quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng chính sách, tháo gỡ hàng rào thủ tục hành chính để họ tự tin hơn, cố gắng vươn lên.
Một số nước đang phát triển, khi mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, họ có chính sách cởi mở cho các doanh nghiệp nội địa phát triển và lớn mạnh.
Còn ở Việt Nam, một thời gian chúng ta cố gắng thu hút vốn FDI, họ được hưởng nhiều ưu đãi chồng ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp nội địa phải tự bơi. Mà doanh nghiệp nội địa vốn sức đã yếu, càng bơi càng đuối, cuối cùng dẫn đến buông xuôi.