Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều chợ tiền tỷ 'chết yểu' vì chợ tự phát

Từ năm 2004, nhiều phường ở quận 9 (TPHCM) đồng loạt xây dựng chợ mới để thay thế các chợ tự phát nhưng rồi hầu hết đều ngừng hoạt động.

Nhiều chợ tiền tỷ 'chết yểu' vì chợ tự phát

Từ năm 2004, nhiều phường ở quận 9 (TPHCM) đồng loạt xây dựng chợ mới để thay thế các chợ tự phát nhưng rồi hầu hết đều ngừng hoạt động.

Các chợ mới được đầu tư xây dựng ở quận 9 đều khá rộng rãi, khang trang nhưng lại nhanh chóng trở thành phế tích ngay sau khi xây xong. Chợ Tân Phú (phường Tân Phú) rộng hơn 4.000m2 với 340 sạp khang trang, rộng rãi, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, rồi sau đó bỏ hoang. Các ki-ốt, quầy sạp đều đã gỉ sét; khung thép, mái tôn xiêu vẹo từ lâu. Chợ Tân Phú chết yểu bởi mọi hoạt động mua bán đều bị chợ tự phát Xóm Chiều và Cây Dừa “hớt tay trên”.

 
Dù là sáng chủ nhật nhưng chợ Phú Hữu vẫn đìu hiu.

Khánh thành từ năm 2004, chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu) tọa lạc trên khu đất rộng gần 2.000m2 với 164 sạp. 2 năm đầu, chợ Phú Hữu sầm uất hơn hẳn so với các chợ khánh thành cùng đợt, nhưng sau đó cũng chết dần và đến nay chỉ còn 8 sạp kinh doanh trong cảnh lây lất qua ngày. Ông Nguyễn Công Minh, quản lý chợ Phú Hữu, cho biết: “Trước đây người dân thường mua bán tại ngã ba Uỷ ban Nhân dân phường Phú Hữu, dần dà nhộn nhịp và thành chợ tự phát chiếm dụng lòng lề đường. Năm 2004, phường xin kinh phí xây dựng chợ Phú Hữu bề thế, dẹp chợ tự phát, chuyển tiểu thương về chợ mới để giải tỏa lòng lề đường. Nhưng hoạt động được một thời gian, các tiểu thương tự ý bỏ chợ để về lại chợ tự phát cũ buôn bán”.

Hàng tỷ đồng bỏ ra xây dựng, chợ mới xây đã bỏ không, gây lãng phí. Chợ Phú Hữu chết còn bởi cách đó không xa còn có thêm một chợ tự phát nữa là chợ Tân Lập (quận 2). Buổi sáng chợ Tân Lập buôn bán chiếm hết lòng lề đường của đường số 20 và 21, còn buổi chiều chợ dời ra ngoài đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2). Những chợ tự phát này lúc nào cũng nhộn nhịp, mua bán tràn lan trên lòng lề đường, khiến giao thông lộn xộn. Bị 2 chợ tự phát đón chặn ở hai đầu nên chợ Phú Hữu dần tàn lụi. Cũng trong tình thế như vậy, chợ Long Thạnh Mỹ (phường Long Thạnh Mỹ) bị ế ẩm, không tồn tại được do chợ tự phát Gò Công chỉ cách đó khoảng 200m đã thu hút hết khách, khiến ngôi chợ khang trang này vắng bóng người.

Với lợi thế đường sá rộng rãi, khu chợ mát mẻ, được xây dựng bởi tiền đóng góp của các tiểu thương nhưng chợ Tăng Nhơn Phú B (phường Tăng Nhơn Phú) đã có thời gian dài trong tình trạng đìu hiu, chỉ còn vài sạp trái cây, quầy bán đồ khô hoạt động cầm chừng. Các tiểu thương còn bám trụ tại chợ đều trong tình cảnh lỡ bỏ tiền ra rồi thì phải bám, chợ ế ẩm nên có muốn sang quầy sạp cũng chẳng ai hỏi tới, vốn “chôn” hết vào đây, bỏ thì chẳng biết làm gì. Gần đây hoạt động mua bán ở đây có đỡ hơn chút, nhưng cũng chưa nhộn nhịp được.

 
Chợ Tăng Nhơn Phú B hoạt động cầm chừng.

Chợ tự phát vẫn có đất sống

Xây dựng chợ để đáp ứng nhu cầu buôn bán trao đổi của nhân dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, do thiếu tính toán cụ thể và không dẹp chợ tự phát nên nhiều ngôi chợ được xây dựng với kinh phí đầu tư hơn chục tỷ đồng đã không thể hoạt động. Chị Nguyễn Hoàng Mai, tiểu thương chợ Phú Hữu, ngán ngẩm: “Lỡ mua sạp trong chợ rồi nên giờ phải bám trụ với chút hy vọng rằng phường có kế hoạch giúp chợ “hồi sinh”, chứ bây giờ bỏ chợ cũng không biết làm gì. Nhiều người có sạp trong chợ nhưng đã phải bỏ ra chợ tự phát buôn bán, vì vừa không mất tiền đóng thuế và điện nước cho khu chợ, lại dễ bán”.

Một chợ tự phát.

Chính quyền quận 9 và các phường đã nhiều lần tổ chức ra quân dẹp chợ tự phát, để đưa tiểu thương vào các ngôi chợ, nhưng đều không thành. Một số người dân địa phương cho rằng phường chưa mạnh tay trong việc dẹp chợ tự phát vì hầu hết tiểu thương ở đây đều là bà con của các cán bộ quản lý trật tự đô thị, bị tình cảm chi phối nên hiệu quả làm việc chưa cao. Hy vọng phường, quận cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc dẹp chợ tự phát để giữ trật tự, mỹ quan đô thị.

Cũng cần phân tích: không phải chợ mới xây khó tồn tại chỉ do chợ tự phát mà còn do một yếu tố chưa được xét đến khi quy hoạch xây dựng chợ truyền thống. Nhu cầu đến chợ truyền thống đang ngày càng giảm đi, do người tiêu dùng không có nhiều thời gian để đi chợ và đã có thể mua sắm thuận tiện ở các siêu thị và cửa hàng, ăn bữa ăn công nghiệp tại nơi làm việc. Do vậy, quy hoạch mỗi phường có một chợ là thiếu tầm nhìn, không còn phù hợp. Nên sớm tính đến việc chuyển đổi công năng các chợ đang bị bỏ hoang để tránh lãng phí tiền tỷ của nhà nước và nhân dân.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Bạn có thể quan tâm