Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 (ngày 3/10/2012) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn.
Theo đó, đa phần cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng chỉ thị, bước đầu đã có sự lên án của người dân đối với những biểu hiện phô trương, hình thức, tốn kém, trái với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng tổ chức cưới để trục lợi.
Bị kiểm điểm vì tổ chức cưới trong giờ hành chính
Sau 5 năm, Chỉ thị 11 hạn chế được hiện tượng cán bộ, công chức đi dự tiệc cưới trong giờ làm việc, sử dụng các xe công đi dự tiệc cưới. Nhiều cơ quan đã đưa việc tổ chức tiệc cưới vào quy chế cơ quan, chỉ tiêu đánh giá thi đua.
Báo cáo của Thành ủy Hà Nội lấy dẫn chứng ở huyện Đông Anh, cán bộ chủ chốt mời cưới con không báo cáo cấp ủy, tổ chức mời quá số lượng người theo quy định thì đa số cán bộ, đảng viên của cơ quan không dự. Quận Hà Đông có mô hình đám cưới dưới 40-50 mâm cỗ. Nhiều quận, huyện tổ chức đám cưới tập thể...
Một hoạt động trong chương trình chuẩn bị tổ chức cưới tập thể ở Hà Nội năm 2016. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội nhận định vẫn có một bộ phận cán bộ đảng viên xem thường, né tránh, không chú ý tới việc thực hiện các nội dung của chỉ thị gây dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên và người dân.
Cụ thể, huyện Thanh Trì để xảy ra trường hợp một phó chủ tịch UBND xã tổ chức cưới cho con vi phạm làm cưới vượt quá số mâm cỗ theo quy định. Nguyên nhân được đưa ra là họ hàng, hàng xóm láng giềng đông nên không giảm bớt số mâm đi được. Trường hợp này đã bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách về Đảng và chính quyền.
"Quận ủy Hà Đông đã kỷ luật 20 cán bộ, đảng viên vi phạm quy định trong tổ chức tiệc cưới. Gần đây nhất, cuối năm 2017, Chủ tịch UBND xã Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội) phải kiểm điểm trước tập thể Đảng ủy, UBND xã vì tổ chức cưới con trong giờ hành chính", báo cáo nêu rõ.
Báo cáo mang tính hình thức?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng báo thống kê của Thành ủy Hà Nội chưa thể đầy đủ, còn mang tính hình thức, ước lệ so với thực tế.
Ông nhận định hiện nhiều cán bộ, công chức, gia đình của họ tổ chức cưới linh đình ở các nhà hàng, khách sạn, vượt quy định nhưng không được giám sát, xử lý, hoặc nêu báo cáo sơ kết 5 năm qua.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch. Ảnh: Bảo Lâm. |
Chia sẻ về quy định của Chỉ thị 11, luật sư nhận định những hành vi trong văn bản chưa bị cấm bởi bất kỳ một văn bản pháp quy nào, từ Hiến pháp tới các bộ luật, luật và kể cả các nghị định, thông tư …
Theo ông, cưới hỏi là việc riêng của công dân, quyền tự do của mỗi gia đình, nên không thể đưa những quy định mang tính chất định lượng cứng nhắc (300 người hay không được tổ chức ở khách sạn 5 sao, 3 sao…) để phục vụ mục đích quản lý sự lãng phí của cán bộ công chức được.
"Việc chống lãng phí trong một bộ phận cán bộ công chức là cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần có cơ chế giám sát, kiềm chế xuất phát từ gốc, từ chính trong tâm của những người cán bộ, công chức, quan chức chứ không phải từ việc buộc họ phải 'sống khổ' để chứng minh mình trong sạch", luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, đảng viên, tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần "vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm". Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600).
Chỉ thị 11 cũng nêu rõ: Cán bộ, đảng viên không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp; khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới.