Người đàn ông đi ngang qua tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có hình Trái Đất đang bốc cháy tại một công viên ở Daegu, Hàn Quốc, hôm 4/7. Ảnh: Yonhap. |
Hôm 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C (62,62 độ F), mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận. Vào ngày 4/7, nhiệt độ trung bình thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C. Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016.
Các chuyên gia cảnh báo rằng kỷ lục này có thể bị phá vỡ thêm vài lần nữa trong năm nay, theo CNN.
Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại Berkeley Earth, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 4/7 rằng thế giới “có thể sẽ chứng kiến một vài ngày thậm chí còn nóng hơn nữa trong 6 tuần tới”.
Kỷ lục toàn cầu này mới chỉ mang tính chất ghi nhận sơ bộ, nhưng được cho là một dấu hiệu khác cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh như thế nào, với sự xuất hiện của El Niño - hiện tượng trước mắt từ sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham ở Anh, nói với CNN hôm 5/7: “Đây không phải là một kỷ lục đáng để ăn mừng và sẽ không kéo dài lâu, khi mùa hè ở bán cầu Bắc vẫn đang ở phía trước và El Niño đang tiến triển”.
Giáo sư Peter Stott, người đứng đầu cơ quan giám sát và phân bố khí hậu của Văn phòng Khí hậu Anh, nhận định.“Nếu vài thập kỷ trước, một số người nghĩ rằng biến đổi khí hậu là hiện tượng diễn ra tương đối chậm, thì giờ đây chúng ta đang chứng kiến khí hậu thay đổi với tốc độ đáng sợ”.
“Khi El Nino hình thành trong suốt thời gian còn lại của năm nay, nó làm tăng thêm tác động nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Hàng triệu người trên khắp hành tinh và nhiều hệ sinh thái đa dạng sẽ phải đối mặt với thách thức phi thường, đồng thời gánh chịu thiệt hại lớn”, ông nhấn mạnh.
Năm 2023 đang chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ trên khắp thế giới, đi kèm hậu quả tàn khốc.
Ở Mỹ, bang Texas và khu vực miền Nam đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng tàn khốc vào cuối tháng 6 đi kèm độ ẩm cực cao. Nhiệt độ tăng cao ở Mexico đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 112 người kể từ tháng 3.
Một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt ở Ấn Độ khiến ít nhất 44 người thiệt mạng trên khắp bang Bihar. Trung Quốc cũng trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt và ghi nhận số ngày nắng nóng cao nhất - nơi nhiệt độ tối đa hàng ngày vượt quá 35 độ C (95 độ F) - trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các nhà khoa học nhận thấy rõ ràng rằng những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu mới là một hồi chuông cảnh tỉnh khác, ông Otto nói với CNN. “Kỷ lục này cho thấy rằng chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, không phải trong nhiều thập kỷ nữa mà là ngay bây giờ. Kỷ lục này chỉ là một con số, nhưng đối với nhiều người và hệ sinh thái, đó là sự mất mát về sinh mạng và sinh kế”.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.