Trong những ngày không chỉ người dân Thái và nhiều người khắp thế giới cùng hướng về Chiang Rai, Thái Lan, nơi 12 cậu bé và một huấn luyện viên đang mắc kẹt trong hang ngập nước, nhiếp ảnh gia người Việt Nam Linh Phạm cũng đã có mặt tại điểm nóng hiện trường. Tờ New York Times đã đăng tải bức ảnh của anh về công tác cứu hộ trên trang nhất hôm 3/7.
Từ những gia đình lạc quan đến "người lạ" hảo tâm
Giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc tìm kiếm đến lúc này là khi mọi người nhận được tin các cậu bé và huấn luyện viên đã được tìm thấy, sống sót và an toàn. Trả lời Zing.vn, Linh kể khi thông tin trên được lan ra, người thân bên ngoài cửa hang đã vui mừng khôn xiết và liên tục chắp tay cảm ơn các binh sĩ, công nhân thuộc đội ngũ cứu hộ. Họ hạnh phúc chuyền tay nhau hình ảnh của những đứa trẻ mà Hải quân Hoàng gia Thái Lan chụp trong hang.
Linh Phạm ghi lại khoảnh khắc hân hoan của người thân đội bóng. Ảnh: Getty/Linh Pham. |
Điều đặc biệt là trước đó, Linh nhận thấy phần lớn người thân của đội bóng không gục ngã, phiền muộn hay đánh mất niềm hy vọng. Tuy lo lắng, họ vẫn chắp tay cầu nguyện, giữ vững niềm tin vào các cậu bé và đội ngũ cứu hộ suốt 10 ngày chờ đợi trước cửa hang.
"Việc thời tiết tốt lên và tiến độ nhanh chóng trong những ngày gần đây khiến người thân của các cậu bé cảm thấy yên tâm hơn. Tin tốt đến không quá bất ngờ", Linh trả lời Zing.vn.
Gia đình của đội bóng nhận được tin vui cùng lúc với báo giới qua buổi họp báo của Thống đốc tỉnh Chiang Rai Narongsak Osotthanakorn, được phát trực tiếp trên Internet. Linh cho biết các kênh mạng xã hội thuộc chính phủ Thái hoạt động rất tốt và hầu hết mọi người tự theo dõi qua những kênh này trên thiết bị cá nhân. Các kênh địa phương cũng livestream liên tục.
Bức ảnh về nỗ lực của lực lượng cứu hộ có mặt trên trang bìa tờ New York Times hôm 3/7. Ảnh: Getty/Linh Pham. |
Linh cũng ấn tượng với sự nhiệt tình của người dân tỉnh Chiang Rai, kể cả khi họ không được tiếp cận khu hang động. Linh chứng kiến có chị nông dân mang hai bao tải ngô luộc, đứng phát cho mọi người ở bãi đỗ xe sau khi bị từ chối vào trong khu vực hang.
Các xe mì, hủ tiếu địa phương cũng làm việc liên tục dọc đường vào khu hang để phục vụ nhân viên cứu hộ, báo chí và người thân của người bị nạn.
Chuyên nghiệp và tôn trọng
Khi được hỏi về đội ngũ cứu hộ, Linh nhận xét tinh thần của binh sĩ và các đặc nhiệm rất tốt. Mọi người vui vẻ hợp tác làm việc dù thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn những ngày đầu tiên. Tất cả đều nỗ lực hết mình vì mục tiêu duy nhất: Mang được các cậu bé và huấn luyện ra ngoài an toàn.
Đội ngũ cứu hộ hồ hởi, vui mừng trước tin các cậu bé được tìm thấy. Ảnh: Getty/Linh Pham. |
Công tác hậu cần cũng khá chuyên nghiệp. Có lều phát thức ăn, đồ uống, dụng cụ hỗ trợ như ủng, đèn pin, quần áo, tất... miễn phí cho toàn bộ đội cứu hộ. Các lều này được tài trợ bởi hoàng gia, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm.
Phóng viên từ nhiều hãng thông tấn khác nhau đã đổ đến hiện trường. Linh Phạm kể rằng họ hoạt động rất trật tự, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng đối tượng. Các phóng viên xếp hàng không chen lấn, không chắn trước mặt nhau. Họ nói cảm ơn và xin lỗi nhau rất nhiều nếu chẳng may "chắn hình".
"Khi đức thiền sư Kruba Boonchum tới cầu nguyện, thống đốc tỉnh Chiang Rai có xin cánh báo chí không làm phiền khiến ngài mất tập trung thì hầu hết mọi người đều tự động rời vị trí", Linh kể lại.
Linh Phạm là một trong những nhiếp ảnh gia có mặt sớm tại hiện trường sau khi đội bóng thiếu niên Thái mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non ngập nước từ chiều 23/6. 13 thành viên đội bóng đã được tìm thấy an toàn sau 10 ngày không ánh sáng và lương thực vào đêm 2/7. Giới chức Thái Lan cho biết quá trình đưa 13 người ra khỏi hệ thống hang động sẽ tốn nhiều thời gian và công sức, có thể lên đến vài tháng.