Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Nhiệm kỳ của Thủ tướng hành động Nguyễn Xuân Phúc

Nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại nhiều dấu ấn về kinh tế, xã hội, đặc biệt là tinh thần Chính phủ hành động. Ông cũng có sự gần gũi, bình dân và khơi dậy khát vọng.

Nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại nhiều dấu ấn về kinh tế, xã hội, đặc biệt là tinh thần Chính phủ hành động. Ông khơi dậy khát vọng thịnh vượng, đôi khi từ những điều gần gũi và bình dân nhất.

Ngày 6/4/2016, những người nuôi cá bè ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu thấy cá chết bất thường. Vài ngày sau đó, cá chết ngày một nhiều, dạt vào bờ biển trắng xóa và kéo dài khắp nhiều tỉnh miền Trung. Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, người dân hoang mang trước sự cố môi trường, hàng tấn hải sản bị đổ bỏ.

Việc cá chết sau đó được điều tra và kết luận liên quan đến tổ hợp sản xuất gang thép Formosa ở Vũng Áng. Đây được đánh giá là sự cố môi trường lớn nhất từng thấy ở Việt Nam, liên quan đến hàng trăm km đường bờ biển, ảnh hưởng sinh kế hàng triệu người.

Một ngày sau khi Vũng Áng phát hiện cá chết, Chính phủ có tân Thủ tướng, đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, được Quốc hội bầu với tỷ lệ 90% tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII. Có thể nói sự cố môi trường biển ở Formosa là thử thách đầu tiên của tân Thủ tướng.

Ông đã có một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với những biến động bất ngờ cả bên trong và bên ngoài, nhưng cũng đầy quyết liệt và hiệu quả. “Chính phủ hành động” là điều mà nhiều người nhớ về nhiệm kỳ của ông.

Khác với những người tiền nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đầu tiên có lễ tuyên thệ trước Quốc hội khi nhận nhiệm vụ. Với chiếc cà vạt màu đỏ, bàn tay trái đặt tay lên bản Hiến pháp, bằng chất giọng xứ Quảng đặc trưng, ông hứa “ra sức hoàn thành các nhiệm vụ”.

Đã rất lâu từ thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam mới lại có một người đứng đầu Chính phủ quê miền Trung. Những thách thức mà ông phải đối mặt cũng rất khác những người tiền nhiệm, thậm chí có những vấn đề mà lần đầu tiên Việt Nam gặp phải.

Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường nhớ lại những con số kinh tế vừa “ảm đạm”, vừa “nguy cơ” khi ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp quản công việc đứng đầu Chính phủ. Nợ công khi đó gần kịch trần với tỷ lệ 64%, tỷ lệ nợ xấu lên tới 10%. Ông nói đến nguy cơ vỡ nợ quốc tế và cả vỡ nợ trong nước khi đó rất lớn.

Về mặt vĩ mô, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Thậm chí, tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào vốn, có thời điểm tăng trưởng vốn gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Đất nước đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, an sinh xã hội, làm sao để kinh tế vừa đi nhanh, vừa đảm bảo các cân đối lớn.

nhiem ky cua thu tuong nguyen xuan phuc anh 1

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ khi đó đối mặt với “nhiệm vụ kép” - vừa phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa phải tìm ra con đường để tăng trưởng nhanh với năng suất lao động cao để đi lên từ một nước thu nhập trung bình thấp.

Đó là những khó khăn đã thấy rõ từ đầu nhiệm kỳ, nhưng song song với đó là khó khăn bất ngờ, bất định trước diễn biến khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Đó là sự cố môi trường biển Formosa ở miền Trung, hạn hán lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016; là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc; dịch tả lợn châu Phi năm 2019; dịch Covid-19, lũ lụt lịch sử miền Trung năm 2020…

Ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên. Ông nhấn mạnh đến thông điệp Chính phủ “kiến tạo”, “phục vụ” và “hành động” tới từng thành viên Chính phủ. Đó cũng là thông điệp xuyên suốt, là “chìa khóa” giải các bài toán khó khăn trong nhiệm kỳ.

“Thủ tướng rất hành động, rất quyết liệt, đó là điều mà chúng ta thấy rõ 5 năm qua”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nói. Ông cho biết không chỉ giới quan sát mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều thấy được sự quyết liệt trong hành động của Thủ tướng. Ở đâu có điểm nóng, ở đâu có vấn đề lớn, Thủ tướng đều nhanh chóng có mặt, hoặc cử một lãnh đạo Chính phủ đến tận nơi tìm hiểu vấn đề và chỉ đạo.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt ở Hà Tĩnh để làm việc về sự cố môi trường Formosa. Tại đây ông cam kết điều tra nhanh chóng và làm rõ trách nhiệm đến cùng.

Theo thống kê, chỉ trong tháng 6/2016, Thủ tướng đã có lịch trình làm việc dày đặc với các địa phương, các ngành, lĩnh vực. Ông đã có 14 cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố và các ngành quan trọng. Trong cả nhiệm kỳ qua, các lãnh đạo Chính phủ đã có 570 chuyến đi "lên rừng, xuống biển".

Trong các hoạt động đối ngoại, Thủ tướng cũng thể hiện sự năng động với hàng chục cuộc gặp song phương, bên lề các hội nghị lớn. Tại hội nghị G20 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ động gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump để trao đổi. Trước việc Mỹ điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam, Thủ tướng chủ động điện đàm về những vấn đề giữa 2 bên.

Trong chuyến thăm Singapore 2018, Thủ tướng có lịch trình dày đặc với nhiều thời gian để tìm hiểu các mô hình phát triển mới của nước bạn. Bên lề hội nghị G7, G20, Diễn đàn kinh tế thế giới, hội nghị ASEAN..., Thủ tướng luôn dành nhiều thời gian gặp gỡ, làm việc, ăn trưa cùng các doanh nghiệp. Khi Mỹ và Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, ông đã đến trung tâm báo chí 2 lần trong cùng một ngày để kiểm tra công tác chuẩn bị.

Một thành viên Chính phủ từng nhận xét rằng lịch làm việc của Thủ tướng là “rất đáng nể”.

Sự quyết liệt còn ở việc ông cho lập Tổ công tác của Thủ tướng do ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ là đốc thúc hoàn thành một cách hiệu quả nhất các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao. Tổ công tác là mô hình đầu tiên xuất hiện trong nhiệm kỳ của một Thủ tướng.

“Thủ tướng đã tạo ra một khí thế hành động cho cả Chính phủ. Đây là điều rất quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn đặt ra”, ông Tuấn nhận định.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu năm 2019 có một buổi đối thoại với chủ đề “Việt Nam và thế giới”. Chủ tịch WEF Borge Brende đã đặt một câu hỏi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”.

Người đứng đầu Chính phủ đã có một câu trả lời rất khéo léo và nhấn mạnh đến việc Việt Nam giữ được đà tăng trưởng liên tục. “Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, giữ được đà tăng trưởng cao cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”, ông trả lời.

Giữ được đà tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những dấu ấn kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á.

Bình quân 2016-2020, tăng trưởng GDP đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011-2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD, có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận xét dấu ấn kinh tế trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là điều không thể bỏ qua. Nợ công đã giảm mạnh xuống 55,3%, nợ xấu còn 3%. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD.

“Đó là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng”, ông nói.

Phát triển kinh tế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm sát sao ngay từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là tìm ra động lực mới để tăng trưởng. Ông cho thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng gồm những nhà chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Một thành viên Tổ tư vấn, ông Trần Hoàng Ngân, nói rằng bất cứ vấn đề nóng nào cũng được các thành viên bàn luận sôi nổi, sau đó đưa ra những kiến nghị trực tiếp đến Thủ tướng.

Ông Ngân đánh giá cao việc Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến khối kinh tế tư nhân. Ngay những ngày đầu của nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Việc đối thoại được ông duy trì gần như hàng năm, nhiều vấn đề nóng được giải quyết tức thì.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ấn tượng với nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi của người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành...

Một điều ông Lộc ấn tượng nữa đó là việc Thủ tướng đi đến bất kỳ địa phương nào cũng đưa ra những câu hỏi về khát vọng phát triển của địa phương đó. Đến TP.HCM ông đặt câu hỏi về vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”; đến Hải Phòng ông đặt câu hỏi “nơi đây có muốn trở thành trung tâm phía Bắc không?”; đến Nghệ An ông hỏi về khát vọng của tỉnh vào năm 2045…

Những tháng cuối năm 2020, để phục hồi kinh tế, Thủ tướng đã có những chuyến công tác dày đặc để đốc thúc các địa phương. Nhiều người vẫn còn nhớ cái bắt tay của Thủ tướng với người phụ trách hoàn thành khu vực tái định cư cho người dân ở sân bay Long Thành để cam kết tiến độ.

Tuy vậy, một cách thẳng thắn, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định vẫn còn những điều chưa trọn vẹn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Giá như sân bay Long Thành hay một số dự án cao tốc Bắc - Nam được khởi công sớm hơn”, ông nói.

Ông Sinh cho rằng vào đầu nhiệm kỳ, nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ, ít được khởi công. Đến gần cuối nhiệm kỳ, nhiều dự án mới “chuyển động”. Nếu các dự án được khởi công sớm hơn, sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Vị nguyên Thứ trưởng cũng nhắc đến 12 dự án yếu kém ngành công thương vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Ở góc độ thể chế, ông nhìn nhận việc mới tập trung vào thủ tục, chưa đi sâu vào việc xử lý thể chế trong thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ… Đây là những thị trường đầu vào quan trọng trong việc phân bổ nguồn lực, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, công tác phát triển quản lý doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa theo kịp kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước vướng thể chế, vướng thủ tục, không thể phát huy hết năng lực, nhiều dự án chậm tiến độ triển khai.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chỉ ra thực trạng nhiều dự án hợp tác công tư đã phải chuyển sang đầu tư công trong nhiệm kỳ vừa qua, phản ánh việc huy động các nguồn lực xã hội đang chưa đạt kỳ vọng. Theo đại biểu, một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ phát huy được sức mạnh tổng hợp, phát huy được sức mạnh của từng người dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thì nói rằng Chính phủ còn “quá hiền lành”, khi vẫn còn nợ nhiều văn bản hướng dẫn luật, nợ nhiều dự án luật đáng ra phải trình Quốc hội.

“Chúng ta đang quá tập trung phát triển kinh tế, nhưng chưa chú trọng đến giáo dục, đạo đức cho thế hệ trẻ. Kết quả ngành giáo dục là điểm kém sáng nhất trong bức tranh nhiệm kỳ qua”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thẳng thắn. Ông cho rằng cần chú trọng đến vấn đề y tế, giáo dục, đạo đức cho thế hệ trẻ, đó phải là ưu tiên hàng đầu.

Ngày đầu tháng 10/2016, chủ một quán phở tại quận Tân Phú (TP.HCM) đón một vị khách đặc biệt, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông đến như bao vị khách bình thường khác, cùng nhiều thành viên Chính phủ gọi phở ăn sáng, mỗi người cũng dùng thử một ly cà phê giá 8.000 đồng.

Thủ tướng gây bất ngờ với chủ quán khi trả tiền cho cả đoàn. Ông không quên khen cà phê “được”. Gần gũi, bình dân là phong cách mà ông Nguyễn Xuân Phúc gây ấn tượng ở cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Năm 2020, khi đến đối thoại với công nhân ở Bắc Ninh, ông vào từng xóm trọ để thăm và hỏi chuyện công nhân. Với chủ xóm trọ, ông nhẹ nhàng nói: “Công nhân chẳng có nhiều tiền đâu, nên cố gắng giảm giá phòng cho người ta”. Hỏi chuyện một gia đình công nhân, ông không ngại đề cập mức lương, hỏi đi ăn cỗ có tốn nhiều tiền không và vỗ vai người chồng, động viên anh cố gắng luyện tập thể dục thể thao để có sức khỏe tốt.

Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần đối thoại với nông dân, 3 lần đối thoại với công nhân, 1 lần đối thoại với thanh niên, 1 lần đối thoại với thanh niên khởi nghiệp… Phong cách của ông là gọi hỏi người bất kỳ. Thậm chí vào năm 2017, sau khi đối thoại với công nhân, ông đã xuống nhà ăn của một nhà máy ở Biên Hòa để ăn cơm suất cùng công nhân.

Ông cũng rất nhanh chóng, kịp thời lắng nghe xã hội, cho xử lý các vấn đề dân sinh gây bức xúc. Trước vấn đề "thần y" tràn lan, ông yêu cầu xử lý ngay; trước vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tìm hướng giải quyết. Cũng rất nhanh, Thủ tướng thường viết thư khen và khen thưởng những tấm gương tốt trong xã hội.

nhiem ky cua thu tuong nguyen xuan phuc anh 2

Ông tặng bằng khen cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người có hành động cứu cháu bé rơi từ tầng 12, hay gửi thư khen các bác sĩ có thành tích chống dịch, khen các chiến sĩ công an phá án thành công... Mọi hành động đều rất nhanh chóng.

Vấn đề môi trường và an sinh xã hội cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại những dấu ấn nhất định.

Năm 2019, đội tuyển bóng đá U23 Quốc gia đã ký tặng Thủ tướng trên một chiếc áo và một quả bóng. Sau đó, ông đã mang đấu giá quà tặng này và được 20 tỷ đồng để trao tặng người nghèo. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là điều mà người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Ông luôn kêu gọi phải tạo sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững, thay vì chỉ tặng quà và kêu gọi không thực chất.

Về vấn đề môi trường, Thủ tướng là người đi đầu trong việc kêu gọi “nói không với rác thải nhựa”. Năm 2021, ông lại có sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, Thủ tướng đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng, sau đó nhiều lần chủ trì hội nghị để vừa phát triển vùng này, vừa ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”.

Sau sự cố môi trường ở Formsa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Vụ việc môi trường tại Formosa đã được xử lý nhanh chóng, quyết liệt chỉ vài tháng sau khi phát hiện. Đây cũng là thử thách đầu tiên mà Thủ tướng vượt qua trong nhiệm kỳ của mình.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào kỳ họp cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng từ “con tàu” để nói về hành trình của Việt Nam trong 5 năm qua. Ông nhấn mạnh trong suốt nhiệm kỳ, “con tàu Việt Nam” đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu.

Với những kết quả ngày hôm nay, có thể nói “con tàu” đã hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt, trong một quãng thời gian đặc biệt. Và quãng thời gian đó, không thể không nhắc đến một Thủ tướng hành động.

Thủ tướng: Bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho Chính phủ mới

"Đây là những ngày cuối cùng của Chính phủ khóa XIV, chúng tôi muốn bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Hiếu Công

Đồ họa: Như Ý

Bình luận

Bạn có thể quan tâm