Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng loại lịch theo niên đại hoàng đế. Năm nay là năm 2018 dương lịch, đồng thời là năm Heisei 30, tức năm thứ 30 Nhà vua Akihito trị vì.
Tại Nhật Bản, lịch niên đại được sử dụng song song với dương lịch. Ngày tháng tính theo năm trị vì của nhà vua xuất hiện phổ biến trên tài liệu chính phủ, báo chí và cả các loại lịch bán cho người dân.
“Việc hình dung lịch sử trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có các thời kỳ”, Kunio Kowaguchi, giám đốc công ty sản xuất lịch Todan, cho biết.
“Ví dụ, chúng tôi nhớ rằng vào đầu kỳ Heisei thì bong bóng kinh tế vỡ”, ông nhắc tới sự sụp đổ của nền kinh tế đầu cơ tích trữ tại Nhật Bản đầu những năm 1990.
Nhân viên tại nhà máy sản xuất lịch Todan kiểm tra sản phẩm lịch 2019. Ảnh: AFP. |
Việc thời kỳ Heisei sắp kết thúc cũng được cho là lý do khiến chính phủ năm nay quyết định tử hình 13 thành viên giáo phái Aum đứng đằng sau vụ tấn công tàu điện ngầm bằng chất độc sarin năm 1995. Giới chức dường như muốn đặt dấu chấm kết thúc vụ việc trước khi thời đại Heisei khép lại.
Nhật Bản đã trải qua 250 thời kỳ từ khi áp dụng hệ thống niên đại vào thế kỷ 7. Mỗi nhà vua lên ngôi đều có hệ thống tính năm riêng. Họ cũng có thể đổi niên hiệu trong thời gian trị vì để tạo khởi đầu mới sau khi thiên tai hoặc khủng hoảng diễn ra. Tuy nhiên, gần đây, các triều đại thường kéo dài ứng với thời gian trị vì của nhà vua.
Chỉ còn vài tháng nữa là tới tháng 5/2019 và Thái tử Naruhito sẽ lên Ngai Hoa Cúc. Hiện tại, những suy đoán về niên hiệu mới xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhà sản xuất lịch như Kowaguchi cũng đặc biệt mong ngóng thông tin này.
Sự cố Y2K mới?
Công ty Todan hàng năm sản xuất 10 triệu cuốn lịch. Nhiều sản phẩm có ghi đủ ngày tháng theo hai hệ thống khác nhau.
Kowaguchi phải in trước khi phát hành một năm, do đó, giờ đã quá muộn để có thể đưa tên vương triều tiếp theo vào lịch. Tuy nhiên, ông hy vọng quyết định về niên hiệu mới sẽ được đưa ra kịp cho đợt sản xuất lịch 2020.
Triều đại mới sẽ là thời kỳ đầu tiên sau cuộc cách mạng công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ cũng đang chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này. Một số chuyên gia so sánh tình hình hiện tại với sự cố máy tính Y2K năm 2000, lo ngại rằng máy móc có thể không hiểu được cách tính ngày tháng mới.
Nhật hoàng Akihito (phải) và Thái tử Naruhito trong buổi lễ chào năm mới ở Tokyo. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, Kazunori Ishii, người phát ngôn của chi nhánh Microsoft tại Nhật, cho biết: “Điểm khác biệt lớn giữa giai đoạn xảy ra sự cố Y2K và thời kỳ Heisei là công nghệ giờ đã được sử dụng phổ biến, thông tin được truyền tải giữa các thiết bị kết nối Internet”.
Các phần mềm tại Nhật Bản với chức năng chuyển đổi giữa dương lịch và lịch niên đại cần được cập nhật. Mã và phông chữ cũng phải được tạo mới theo niên hiệu.
“Chúng ta không thể dự đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra”, Ishii nói. Dù vậy, ông cũng nhận định viễn cảnh về một sự gián đoạn lớn “có khả năng sẽ không xảy ra”.
Quyết định thoái vị của Nhật hoàng Akihito cho phép các chuyên gia có thời gian để chọn tên cho thời kỳ mới. Nhiệm vụ này đặt trên vai của chính phủ thay vì hoàng cung và phải được thảo luận một cách kín đáo, tương tự như mọi vấn đề liên quan đến hoàng gia.
"Thời đại mới, tư tưởng mới"
Theo thông tin ban đầu, cái tên mọi người mong chờ dự kiến được thông báo trong năm 2018, nhưng một số tin đồn lại loan rằng ngày công bố sẽ bị trì hoãn. Điều này phần nào cho thấy đây là thách thức không nhỏ đối với chính phủ Nhật Bản. Các chuyên gia sẽ phải tuân theo đúng yêu cầu nghiêm ngặt rằng niên hiệu cần có hai chữ, dễ đọc, dễ viết nhưng không phải một cái tên phổ biến.
Niên hiệu mới khả năng cao cũng sẽ không bắt đầu với chữ cái trùng với chữ cái đầu tiên của 4 triều đại gần nhất: Heisei, Showa, Taisho và Meiji. Bên cạnh đó, do niên hiệu của mỗi vương triều đều được coi là “thiêng liêng” nên bất kỳ cái tên nào từng bị bác trước đây sẽ không được đề xuất lần nữa.
Lịch 2019 vẫn còn in tên niên hiệu thời kỳ Heisei dưới sự trị vì của Nhật hoàng Akihito. Tuy nhiên, Nhà vua Akihito sẽ thoái vị vào tháng 5/2019. Ảnh: AFP. |
Một trong số ít những người quen thuộc với thử thách này là Junzo Matoba, 83 tuổi. Ông từng tham gia vào quá trình chọn niên hiệu mới trong thập niên 80, cuối thời kỳ Showa của Hoàng nhật Hirohito.
“Một số người cho rằng việc nghĩ về triều đại tiếp theo trong khi nhà vua còn sống là điều bất kính. Tôi đã phải làm việc bí mật”, ông nói với AFP. Matoba kể rằng ông tìm đến nhiều chuyên gia lịch sử và văn học châu Á nhờ tư vấn, nhưng điều quan trọng là phải hoạt động kín đáo.
“Tôi vướng vào một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, cảm giác như thể ngồi dưới thanh gươm treo trên đầu bằng sợi chỉ và có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào”, AFP dẫn lời Matoba.
Năm 1988, cuộc tìm kiếm niên hiệu phù hợp thu hẹp xuống còn 3 lựa chọn. Ngày 7/1/1989, Nhà vua Hirohito băng hà. Các chuyên gia, chính trị gia và bộ trưởng nhanh chóng tán thành cái tên “Heisei” đặt cho triều đại của Nhà vua Akihito lên ngôi sau đó. Niên hiệu này có nghĩa là “hòa bình ở cả trong và ngoài nước”.
Hiện tại, nhiều người tin rằng chính phủ đã có trong tay một danh sách tên phù hợp nhưng vẫn im lặng về các lựa chọn tiềm năng và ngày công bố. Trong lúc đó, sự quan tâm của xã hội ngày càng dâng cao.
“Người Nhật Bản thích ‘bắt đầu lại’”, Matoba nói. "Thời đại mới, tư tưởng mới”.