Reuters dẫn 3 nguồn tin cho hay tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ dừng chân tại Singapore, Indonesia, Philippines, Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận Malabar với hải quân Ấn Độ và Mỹ tại Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Chiến hạm lớn nhất Nhật Bản, vừa nhận nhiệm vụ cách đây 2 năm, sẽ quay về căn cứ ở Yokosuka vào tháng 8. "Mục đích là kiểm tra khả năng của tàu sân bay Izumo bằng cách cho nó tham gia vào một nhiệm vụ kéo dài", một nguồn tin cho biết.
Biển Đông là điểm nóng tranh chấp giữa nhiều quốc gia. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên gần như toàn bộ diện tích. Điều này gây quan ngại sâu sắc cho các bên tranh chấp cũng như Nhật và phương Tây. Mỹ thường xuyên tổ chức tuần tra trên bộ và trên biển để đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực.
"Tàu sẽ tham gia huấn luyện cùng hải quân Mỹ trên Biển Đông", nguồn tin đề nghị giấu tên bổ sung.
Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, tháng 12/2016. Ảnh: Reuters. |
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản hiện từ chối bình luận về vụ việc.
Tokyo không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông song vướng tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Một nguồn tin cho biết Nhật muốn mời Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines thăm Izumo khi tàu ghé vịnh Subic. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, ông Duterte được cho là muốn thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, hạn chế ảnh hưởng của Mỹ với Manila.
Với chiều dài 249 m, Izumo có kích cỡ ngang với các chiến hạm của Nhật trong Thế chiến 2, có thể chứa đến 9 máy bay trực thăng. Tàu sân bay này có thiết kế tương tự các tàu tấn công lưỡng cư của thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng thiếu đi khoang hở dùng để hạ thủy các loại tàu nhỏ.
Trong những năm qua, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật đã "kéo giãn" giới hạn được quy định trong hiến pháp định hướng hòa bình thời hậu thế chiến. Nhật xếp Izumo vào loại tàu khu trục vì hiến pháp cấm việc thu nạp các loại vũ khí tấn công. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này cho phép Nhật Bản triển khai sức mạnh quân sự ngoài phạm vi lãnh thổ.