Thị trường tài chính Nhật Bản chấn động trước thông tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức hôm 28/8 do vấn đề sức khỏe cá nhân. Trong thời gian tại vị 7,5 năm của mình, ông Shinzo Abe đạt kỷ lục là người nắm giữ chính quyền Nhật Bản lâu nhất. Ông cũng nổi tiếng là vị chính trị gia khởi đầu làn sóng thay đổi bộ mặt kinh tế, giúp nước này trở thành một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh an toàn nhất trên thế giới.
Thông tin từ chức gây chấn động thị trường
Hôm 28/8, quyết định từ chức gây xôn xao của Thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sa lầy trong khủng hoảng kinh tế vì đại dịch. Trước đó, GDP quý II nước này ước tính lao dốc tới 27,8%, mức giảm sâu lớn nhất trong 4 thập niên phát triển kinh tế, theo báo cáo chính phủ nước này.
Dưới thời thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản nhanh chóng phát triển theo hướng mở cửa, trở thành một trong những liên minh kinh tế đáng tin cậy hàng đầu thế giới. Ảnh: EPA |
Trong phiên giao dịch ngày 28/8, các thông tin từ kế hoạch từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khiến giới đầu tư bối rối, chỉ số Nikkei 225 mất 2% giá trị và kết thúc chuỗi ngày giao dịch yên tĩnh trong tháng 8. Trong khi đó, đồng yên Nhật lâu nay đang là nơi trú ẩn an toàn, đảo chiều nhanh chóng và tăng 0,5% lên mức cao nhất trong phiên, vượt mốc 106 yên/USD. Với tỷ trọng lớn của đồng yên trong rổ tiền tệ, chỉ số đồng USD giảm 0,5% khi đồng tiền Nhật tăng giá.
Ông Abe có lời xin lỗi trước người dân khi buộc phải dừng bước trong bối cảnh đại dịch bùng phát nghiêm trọng. Ông khẳng định sẽ tiếp tục lèo lái cho đến khi người kế nhiệm được bầu và từ chối bình luận về người kế nhiệm.
Đài NHK trước đó cho biết thủ tướng Nhật đã phải chiến đấu với căn bệnh viêm loét đại tràng trong nhiều năm. Khi sức khỏe của ông bắt đầu giảm vào khoảng giữa tháng trước, ông quyết định lui xuống để không mắc phải sai lầm trong các quyết định chính sách quan trọng của đất nước, theo Reuters.
Thị trường tài chính Nhật Bản chấn động ngay sau khi tin tức từ chức của Thủ tướng Abe được đưa ra do tâm lý đầu tư lo sợ trước các sự kiện bất thường, theo Standard. Thêm vào đó, những lo ngại khi triển vọng mờ mịt của người kế nhiệm trong việc cải thiện nền kinh tế yếu ớt trước tác động của đại dịch khiến các chỉ số thị trường nhanh chóng mất điểm.
Covid-19 đè bẹp thành tích của Abenomics
Trong thời kỳ nắm quyền, một trong những nội dung kinh tế gây dấu ấn của Thủ tướng Abe là chương trình tài chính và tiền tệ nổi tiếng mang tên ông, Abenomics.
Khi tuyên bố từ chức, ông Abe nhấn mạnh chính phủ của ông đã thành công khi thúc đẩy việc làm, chấm dứt 20 năm giảm phát ở nước này. Chương trình kinh tế Abenomics - “ba mũi tên” bao gồm các nội dung: Nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy chi tiêu tài khóa và cải cách cơ cấu, nhằm gia tăng sự năng động cho nền kinh tế được. Đây được coi là chương trình mang lại sự ổn định cho Nhật Bản trong suốt 7,5 năm ông Abe nắm quyền.
Chính sách kinh tế tân tiến 3 mũi nhọn - Abenomics giúp kinh tế Nhật Bản khởi sắc, thoát khỏi bóng ma giảm phát 20 năm. Ảnh: Alamy Stock |
Theo Guardian, cổ phiếu Nhật Bản đã tăng gấp đôi giá trị trong thời gian này do tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ. Derek Halpenny, Trưởng bộ phận nghiên cứu Thị trường toàn cầu ở châu Âu, Trung Đông và châu Á tại ngân hàng Nhật Bản MUFG, nhấn mạnh thành công của Abenomics - ít nhất là cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở nước này.
"Mục tiêu của Abenomics là giúp Nhật Bản thoát khỏi 15 năm dai dẳng trong bóng ma giảm phát, kể từ khi giai đoạn phát triển bong bóng kết thúc vào những năm 1990. Chính sách đó thực sự thành công trong bối cảnh và thời gian đó”.
Bên cạnh đó, sự tích cực của Thủ tướng Abe giúp nước này ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu, góp phần mang lại sự bùng nổ về thương mại của nước này.
Trong khi đó, những nỗ lực của ông nhằm hiện đại hóa đời sống doanh nghiệp trong nước, dù chưa đạt kỳ vọng và mục tiêu ban đầu nhưng cũng được coi là cuộc cách mạng đối với nền văn hóa đầy những truyền thống nặng nề và cũ kỹ của đất nước mặt trời mọc. Hoạt động quản lý và văn hóa doanh nghiệp được cải thiện đáng kể, thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tích cực rót vốn vào xứ sở mặt trời mọc.
Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn vấp phải những chỉ trích trong chính sách quản lý kinh tế. Điển hình là việc cho phép nắm giữ cổ phần chéo giữa các công ty mang theo những thách thức và phi dân chủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vụ bê bối giam giữ và bỏ trốn gay cấn của giám đốc Nissan, Carlos Ghosn ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh Nhật Bản.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Nhật hồi tháng 1, ông Abe đã ca ngợi thành tích kinh tế của chính phủ, dẫn chứng nền kinh tế Nhật đã tăng trưởng 13% trong 7 năm qua và thu nhập từ thuế dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã đặt dấu chấm hết cho các triển vọng khả quan của chính quyền. Nền kinh tế Nhật nhanh chóng đi vào suy thoái kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 10/2018.
Chính quyền của ông Abe bối rối trước mục tiêu kép: Vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa lèo lái kinh tế đang ngập sâu trong khủng hoảng. Nguồn tin từ LDP nhận định: "Covid-19 đã gần như làm hoen ố những thành tích kinh tế dưới thời Abenomics".
Do đó, giới đầu tư bắt đầu tâm lý lo ngại người kế nhiệm ông liệu có tiếp tục con đường cải cách tiến bộ, hay quay lại con đường dân túy, nâng cao chủ nghĩa bảo hộ và hướng về các nguyên tắc hà khắc trong quá khứ.
Derek Halpenny cho rằng các chính sách của Thủ tướng Abe cho đến nay vẫn được cho là xứng đáng và thành công, và dự đoán người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục cơ sở đó nhằm giữ con tàu kinh tế Nhật Bản đi đúng hướng. Trong khi đó, đất nước này đang đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng do dịch bệnh, kinh tế suy thoái và tiềm ẩn một giai đoạn giảm phát khác tái diễn.