Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội

Văn phòng làm việc của tôi giờ đây là một góc bàn kê máy tính đặt trong phòng khách. Lớp học của con tôi nằm ở đầu kia căn hộ, trong phòng ngủ của nó.

Paris, thứ hai ngày 16/3/2020.

- Con đấy à! Ơ thế sao hôm nay không đi làm? Sao gọi giờ này?

- Tuần này cháu nghỉ học rồi, con cũng xin phép cơ quan làm việc từ xa.

- Vậy cũng tốt. Rồi tranh thủ mà mua ít đồ ăn dự phòng con nhé! Nhớ ăn uống tăng cường sức khỏe, ăn nhiều hoa quả bổ sung vitamin, gừng tỏi kháng sinh rất tốt...

Bố tôi vốn là người kiệm lời, nhưng bản tính lại lo xa. Thành thử, hồi cơn cũng có lúc dông dài...

Ngày đầu tiên các trường học và các hoạt động ngoại khóa trên toàn quốc đóng cửa, chỉ đón nhận con em cán bộ y tế trực chiến chống Covid-19. Hộp thư điện tử, mạng xã hội, tin nhắn tới tấp quảng cáo dịch vụ trông trẻ của sinh viên và lao động trẻ vừa mới bị sa thải trước thềm tổng cách ly.

Học sinh các cấp ngồi học ở nhà, theo dõi bài giảng và làm bài tập trên trang “Lớp học trực tuyến”. Ngày học đầu tiên không giấy bút, mạng giáo dục chưa hoàn thiện nên nhiều lúc vẫn không truy cập được.

Các bậc phụ huynh vừa hoang mang vừa lúng túng trước hình thức học tập mới của con trẻ. Còn các em học sinh, sau buổi tan trường cuối cùng, thì mừng vui lẫn lộn. Đứa tung tăng nhảy chân sáo vì từ nay không phải dậy sớm, đứa thì mặt mũi xầm xì vì đang chơi dở một trò chơi với bạn bè.

7h, tôi nhận được thư điện tử của cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô gửi thời khóa biểu trong ngày và các bài tập ngữ văn, khoa học, toán học. Thế là thời gian công sở và thời gian cho gia đình phải lẫn lộn song hành.

Văn phòng làm việc của tôi giờ đây là một góc bàn kê máy tính đặt trong phòng khách. Lớp học của con tôi nằm ở đầu kia căn hộ, trong phòng ngủ của nó. Cứ thế một ngày tôi đi đi lại lại từ đầu này sang đầu kia. Ngồi làm việc được một lúc chưa kịp nóng chỗ, thì thằng con tôi lại gọi mẹ hỏi bài tập toán làm thế nào, bài tập đọc trả lời ra sao...

Buổi sáng làm việc tại gia đầu tiên của tôi cứ thế trôi đi trong nháy mắt. Mười hai giờ trưa, tôi vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Ăn ở nhà thì cơm canh đủ cả, hai mẹ con được bữa ăn cơm Việt với dưa hành, nước mắm. Thằng bé lạ miệng ăn nhoằng một hơi hết hai bát cơm đầy. Ăn cơm xong, tôi lại trở vào phòng khách, ngồi vào bàn làm việc, mở máy điện thoại kiểm tra các tin nhắn, cuộc gọi.

“Kể từ ngày mai thứ ba, toàn bộ Paris và vùng vành đai thực hiện cách ly (trừ một số tình huống đặc biệt), ra lệnh giới nghiêm kể từ sáu giờ tối, cảnh sát khoanh vùng cách ly theo từng quận. Chỉ các nhân viên y tế, lực lượng cảnh sát được cấp giấy thông hành cho phép di chuyển".

Lam viec tai nha anh 1

TS Nguyễn Giáng Hương ghi lại 55 ngày Paris cách ly vì Covid-19. Ảnh: My My - Ngọc Hiếu.

Bạn bè tôi truyền nhau thông tin trong hòm thư nhóm. Tôi tặc lưỡi, lắc đầu. Thời buổi đại dịch, tin đồn thất thiệt như ruồi đậu mắm tôm. Mấy thứ tin nhắn này không biết thực hư ra sao mà chỉ làm người ta rối trí và hoang mang. Tôi đặt điện thoại xuống, thì thằng con tôi ra khỏi bàn học, chạy vào phòng khách hỏi tôi:

- Mẹ ơi, sao dạo này suốt ngày người ta chỉ nói đến corona thế hả mẹ?

- Vì nó ở khắp nơi, người ta dễ bị mắc nhiễm và có thể bị chết...

- Cô y tá ở trường con bảo, trẻ con thì không bị chết.

- Đúng rồi. Trẻ con không chết nhưng các nhà khoa học chưa kết luận được trẻ con có thể truyền virus cho người lớn hay không, nhất là đối với các ông các bà đã tuổi cao sức yếu. Vì thế, ai cũng phải giữ vệ sinh, về đến nhà là phải rửa tay bằng xà phòng...

Tôi đang giải thích với con thì chiếc điện thoại trên bàn lại rung chuông. Bing! lại một tin nhắn trên mạng xã hội về lệnh tổng cách ly sắp ban hành. Bing! một thư điện tử khác với nội dung tương tự.

Vẫn biết chỉ là những tin đồn, nhưng tôi không tài nào bịt tai bịt mắt như không có chuyện gì xảy ra. Mưa tin nhắn như một cơn lũ đang gõ cửa, tôi bắt đầu nhấp nhổm, đứng ngồi không yên...

Trong tâm trạng bồn chồn, tôi chợt nhận ra nhà mình sắp hết xà phòng rửa tay, nước rửa bát, dầu ăn và cả giấy vệ sinh nữa. Nghĩ vậy, tôi vội vàng dặn dò con học, rồi xách giỏ xuống siêu thị Franprix cách khu chung cư nhà tôi chỉ dăm bảy bước chân.

Trong siêu thị, người qua người lại hối hả, có vẻ đông đúc hơn ngày thường. Tôi tìm đến quầy hàng vệ sinh gia dụng, vơ đại lấy hai bịch xà phòng và một lọ nước rửa bát, còn thì giấy vệ sinh đã thông báo hết hàng.

Tôi lại sang quầy thực phẩm nhưng chẳng mua được gì. Trứng gà hết, thịt lợn hết, sữa tươi hết, mì cũng hết... Một nửa các giá hàng thực phẩm trống rỗng. Tôi lập cập xách giỏ về, cất đồ mới mua lên nhà, rồi lại lập tức xách giỏ trở xuống. Tôi đi bộ sang siêu thị Carrefour lớn hơn, cách nhà tôi khoảng bảy tám trăm mét.

Từ đằng xa, cách siêu thị chừng vài thước, tôi đã nhận ra những bóng người lố nhố. Tôi tiến thêm vài bước nữa thì thấy người đã xúm đen như kiến cỏ trước cửa ra vào siêu thị. Bảo vệ căng dải phân cách để phân lượt khách, mỗi lượt không được quá mười người.

Ở bên ngoài, người đợi chống cằm, sốt ruột chờ bên những xe hàng rỗng. Từ bên trong, người mua hàng đẩy ra những chiếc xe hàng chất đầy đồ hộp, đồ đông lạnh để dự trữ cho cả tháng. Mặc cho khuyến cáo dãn cách xã hội cự ly một mét, người đứng chờ nhấp nhổm không còn màng đến hàng lối hay khoảng cách. Hễ giải phân cách được gỡ ra là người nào người nấy, không găng tay cũng không khẩu trang, chen lấn nhau để lọt được vào top 10.

Giáng Hương / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY