9h41 ngày 18/8/2012
Tôi - một chiếc iPhone 5 màu trắng, vừa ra đời tại nhà máy Foxconn ở Thẩm Quyến. Những anh em của tôi xếp hàng dài trên băng chuyền. Qua nhiều công đoạn lắp ráp, chúng tôi bắt đầu được chạy phần mềm. Họ biết mọi đứa chúng tôi, vì mỗi người đều có IMEI, số Serial riêng.
14h cùng ngày, tôi đã được đóng hộp gọn gàng. Các bạn biết đấy, 5 ông anh của tôi đều khá nhỏ con. Họ chỉ sở hữu màn hình 3,5 inch. Nhưng tôi - một thằng iPhone 5 - có màn hình tới 4 inch, độ phân giải 1.136 x 640 pixel. Và dĩ nhiên, tôi rất mỏng, chỉ 7,6 mm, mang theo rất nhiều công nghệ mới. Tôi nhanh hơn, mạnh hơn tất cả các đàn anh của mình.
Tháng 8/2012, ở Thẩm Quyến
Chúng tôi vẫn nằm trong kho, xếp cạnh nhau trong những gian hàng tuyệt mật của Foxconn. Phải đến 12/9, Apple mới công bố tên tuổi chúng tôi ra thế giới. Tôi biết, có nhiều phiên bản rò rỉ đã lộ ra, nhưng người dùng vẫn phải chờ "ông chủ" của chúng tôi công bố chi tiết.
13h ngày 19/9
Thật là lâu, một tháng sau khi ra đời, họ mới đưa chúng tôi ra sân bay. 7 ngày trước, Apple chính thức cấp giấy khai sinh cho chúng tôi. Thật tự hào, chúng tôi đang được cả thế giới trông chờ.
Chiếc Boeing 777 chở tôi sang Mỹ. Thật may mắn, tôi được trở về nơi phác thảo những hình ảnh của mình, khác với những anh em cùng lứa, họ đến Canada, Anh, Đức, Pháp, Australia, Hong Kong và Singapore.
7h ngày 21/9/2012
Tôi hồi hộp như muốn nổ tung. Hôm nay là ngày chúng tôi được bán ra. Tôi sẽ đi gặp ông chủ mới. Từng đoàn người xếp hàng trên phố, Bay Street, Emeryville, California.
Chúng tôi chứng kiến từng anh em của mình lần lượt được trao về tay khách hàng. Họ reo hò, mở hộp, vui sướng và thử ngay camera 8 megapixel, có thể chụp panorama 28 megapixel. Một vài người vác những anh em của chúng tôi ra ngay trước cửa hàng, thử thả trên cao xuống xem độ bền. Thật dã man, một số anh em đã ra đi ngay trong ngày đầu tiên.
8h35
Tôi đã đến tay một người phụ nữ. Bà trả tiền mặt, bỏ tôi vào túi vải, bước nhanh ra cửa hàng. Sao cô ta không mở hộp luôn nhỉ? Cô ta không vui, không muốn thấy mặt tôi sao? Thật lạ!
9h26
Ôi! Tôi đã hiểu lý do rồi. Cô chủ mới trao tôi cho một người đàn ông, họ đều nói tiếng Hoa. 15 phút sau, tôi lại sang tay một anh chàng châu Á khác, người này phải trả cho ông chủ Trung Quốc kia thêm 200 USD. Thật không thể tin được!
Hình ảnh của tôi lúc mới ra lò. |
22/9/2012
Tôi vẫn chưa được mở hộp. Cậu chủ mới gửi tôi cho một người bà con. Bây giờ, họ đang chờ chuyến bay đưa tôi về Việt Nam. Có lẽ, đó là nơi tôi sẽ gắn bó. Mà thực sự là tôi không biết nữa, chỉ trong 2 ngày, tôi liên tục được mua đi, bán lại, chuyền qua tay người này, người khác, mà vẫn không biết ai sẽ mở hộp, sử dụng mình.
Những tưởng, tôi sẽ có cơ hội khám phá cường quốc hùng mạnh nhất thế giới lâu hơn, nhưng chỉ đúng 2 ngày sau khi được đưa đến một cửa hàng Apple Store, tôi lại bước lên máy bay để về một vùng đất mới, đó là đất nước Việt Nam này.
Chủ sở hữu đầu tiên của tôi là một “thiếu gia đất Hà Thành”, theo cách mà mọi người thường gọi. Anh ta đã nhờ người đặt mua tôi từ bên Mỹ, chứ không chọn cách bỏ ra vài chục triệu như một số người ở Việt Nam. Theo lý giải thì anh ta thích hàng Mỹ (LL) hơn là máy xách tay ở Việt Nam có nguồn gốc từ Singapore hay Hong Kong, chứ không phải vì vấn đề tiền bạc.
Tôi không có nhiều ấn tượng lắm với vị chủ nhân này, bởi anh ta mua tôi chỉ vì lúc đó tôi mới ra đời, tôi là điện thoại thời thượng chứ bản thân anh ta chẳng có hiểu biết gì về iPhone, iOS cả. Một tháng sau, anh ta tiễn tôi đi không thương tiếc và lần này, tôi gặp một chủ nhân khác, khá thú vị.
Vị chủ mới này khác lắm. Anh ta tự hào vì sở hữu tôi. Anh ta có thể thao thao bất tuyệt về tôi cả ngày trời với đám bạn bè mà không chán. Anh ta coi tôi như một báu vật vậy. Anh ta dán màn hình, mua bao da cho tôi để đảm bảo, tôi không bị một vết trầy xước nhỏ nào.
Tôi đã quen được người ta ca ngợi bằng các mỹ từ cho đến khi chợt nhận ra, hình như mình đã già. |
Có thể gọi vị chủ nhân mới của tôi là sinh viên nghèo. Anh ta ở trọ trong một căn phòng rộng chưa đến 10 mét vuông, ăn suất cơm 10.000 - 12.000 đồng. Tôi thấy ngạc nhiên vì thỉnh thoảng anh này lại gọi về nhà xin những khoản tiền như để học thêm ngoại ngữ, học vi tính, mỗi khóa cả triệu bạc nhưng chả bao giờ thấy anh ta đi học, còn trình độ ngoại ngữ của anh ta thì chỉ có thể dùng 2 từ “siêu tệ” để mô tả. Đến khi đó, tôi mới hiểu tại sao anh ta có hơn 15 triệu đồng để mua tôi ở thời điểm tôi vẫn là một món hàng hot trên thị trường.
Đừng hiểu nhầm, anh ta không chỉ biết có xin tiền nhà đâu. Anh ta cũng rất tích cực đi làm thêm như gia sư, bồi bàn, phát tờ rơi để kiếm tiền. Số tiền kiếm được, cả chân chính lẫn lừa dối bố mẹ đó, anh ta đều cất riêng một chỗ.
Đến lúc này, tôi lờ mờ hiểu ra, có lẽ mình cũng chỉ gắn bó với anh chàng này được khoảng một năm, cho đến khi anh ta đến với tình yêu mới của mình là chiếc iPhone 5S - thế hệ sau của tôi. Anh ta bán tôi cho một bạn gái xinh đẹp, thích lướt Facebook cả ngày, thích chụp ảnh selfie và... chấm hết.
Có những khi, bộ nhớ của tôi chất đến vài GB ảnh tự sướng của cô nàng này. Và bây giờ, tôi nằm ở kho của cửa hàng này khi cô ấy thấy tôi chụp ảnh tự sướng xấu hơn chiếc điện thoại của cô bạn học cùng lớp. Tôi vẫn còn ngon lành lắm chứ bộ, vỏ ngoài không sướt sát nhiều, chạy mượt, không nóng.
Ít ra, tôi cũng còn may mắn hơn thằng cha nằm bên cạnh kia. Hắn suốt ngày cằn nhằn không ngớt về việc tại sao mình lại phải có mặt ở đất nước Việt Nam này. Hắn cũng như tôi, được dành cho thị trường Mỹ. Trong một lần sử dụng bất cẩn, hắn bị ông chủ đánh rơi xuống mặt đường và móp méo hết cả mặt mày.
Có lần, hắn đã kể cho tôi nghe về chuyến hành trình ác mộng của mình. Ông chủ của hắn, sau khi làm rơi máy, không có ý định sửa chữa mà bán luôn cho một trang mua đồ cũ. Sau đó, hắn cũng như bao nhiêu người anh em khác của tôi, được đưa sang một xưởng gia công rộng mênh mông tại Trung Quốc. Tại đó, mỗi người được mông má lại một kiểu. Có người được thay màn hình, người thay module camera, người thay micro, có người còn thay cả main. Bản thân hắn thì được khoác một bộ cánh mới mà theo hắn thì nó thô hơn so với bộ cánh cũ.
Nơi đó được hắn mô tả không khác gì một cái nghĩa trang, nơi người ta rã hết các khớp của bạn ra, sau đó lắp lại, đôi khi tay ông này cắm vào chân ông kia, thậm chí chạy lại cả phần mềm. Hơn 2 tuần trước, hắn cùng với một lô iPhone 5 và 5C khác, được đưa về đây và trở thành hàng xóm của tôi.
Hình ảnh hiện tại của chúng tôi. Ảnh: Muare. |
Hắn nói, trước đấy hắn tưởng người Việt Nam nghèo lắm. Người Mỹ thường chỉ nhắc đến Việt Nam thông qua các cuộc chiến tranh. Hắn ngớ người ra khi tôi khai sáng cho hắn rằng, ở Việt Nam, có những người sẵn sàng bỏ ra 79 triệu (hơn 3.500 USD) để mua một chiếc iPhone 6 Plus, chỉ để được là người đầu tiên sở hữu nó. Ở Mỹ, có ai làm việc đó không?
Ngày mai, tôi, và cả hắn, sẽ lại bắt đầu một cuộc hành trình mới. Ở đó, chúng tôi tìm kiếm những vị chủ nhân mới, những người cần chúng tôi hơn. Tôi ý thức được rằng, tuổi già đang đến rất nhanh khi nhìn vào những người anh em iPhone 4 hay 4S ngoài kia. Đến một lúc nào đó, tôi cũng sẽ như họ. Ít ra, họ vẫn lạc quan, vui vẻ vì họ là người có ích. Phấn chấn lên nào, chờ đợi một cuộc hành trình mới thôi. Vì cuộc đời là những chuyến đi!
Hà Nội một ngày cuối tháng 11
Vậy là tôi đã nằm trong cái nhà kho cũ kỹ này được gần một tháng. Ngày mai, tôi cùng với một lô iPhone 5 cũ khác sẽ được chuyển xuống Nghệ An vì nghe nói, ở đó đang khan hàng. Tôi đã phát ngán với cảm giác nằm một chỗ thế này. Tôi muốn được vận động, được nằm ngoan trên một đôi tay nhỏ nhắn nào đó, khoác trên mình một cái bao da thật đẹp.
Nhanh quá, đã hơn 2 năm kể từ khi tôi ra đời. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi ra khỏi dây chuyền cuối cùng, đóng hộp cẩn thận tại Thẩm Quyến, Trung Quốc trước khi thực hiện một chuyến bay dài nhất cuộc đời tới xứ sở cờ hoa. Chuyến bay đó đã mở ra một cuộc phiêu lưu nhiều thăng trầm và thú vị tại đất nước Việt Nam xinh đẹp này.