Tôi là Vũ Thế Năng, 30 tuổi, trú tại TP.HCM.
13 ngày vừa qua có lẽ là trải nghiệm tôi không thể quên trong cuộc đời. Tôi hy vọng hành trình của mình có thể sẽ hữu ích cho những ai không may cũng nhiễm SARS-CoV-2 và buộc phải chiến đấu với căn bệnh Covid-19 thời gian tới.
Ngày thứ nhất (24/7)
Khác với mọi hôm, sáng nay, tôi cảm thấy thân nhiệt của mình cao hơn, cơ thể mệt mỏi, đau nhức khi tỉnh giấc. Giữa lúc dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, da mặt, tay, chân tôi bắt đầu râm ran.
Thời gian vừa rồi, tôi chủ động đăng ký tham gia nhiều chương trình thiện nguyện với mong muốn góp phần nhỏ sức lực cho thành phố, giúp cộng đồng một lần nữa kiểm soát được tình hình dịch. Liệu tôi có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 từ những chuyến đi như vậy không?
Kết quả test nhanh ngày 24/7 khiến anh Năng hoang mang. Ảnh: NVCC. |
Trời sẩm tối, tôi quyết định mua và tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 để biết được câu trả lời. Đọc kết quả trên thiết bị test nhanh, nỗi sợ trước đó của tôi cuối cùng cũng đến. Tôi dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày thứ hai (25/7)
Tỉnh dậy, tôi có dấu hiệu sốt và quyết định đăng ký lấy mẫu xét nghiệm tại trung tâm y tế phường. Kết quả test nhanh tại đây một lần nữa cho thấy tôi dương tính với virus. Tôi được yêu cầu cách ly và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Sự hoang mang lúc này thậm chí trở nên lớn hơn. Nỗi lo của tôi giờ được chuyển tới gia đình, bạn bè, những người trong đoàn thiện nguyện. May mắn, họ đều có kết quả âm tính với virus.
Sau khi trở về tự cách ly, tôi đi lại quanh phòng, nghĩ tới những việc phải làm trong thời gian tới và lo lắng cho chính mình. Trước mắt, theo tư vấn của bác sĩ, tôi uống 1 viên paracetamol cùng 1 viên vitamin C và nhanh chóng hạ sốt. Đến lúc này, tôi không có triệu chứng nào khác.
Biết tin, mẹ tôi không giấu nổi sự lo lắng nhưng đủ bình tĩnh để chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Ngoài việc nấu và đưa đồ ăn tới trước cửa phòng, mẹ cũng bồi bổ sức khỏe cho tôi bằng nước chanh gừng, nước linh chi.
Ngày thứ 3 (26/7)
Sáng nay, sức khỏe của tôi bình thường. Tôi dần lấy lại bình tĩnh và quyết định tập thể dục và làm những công việc cần thiết. Tôi nghĩ việc duy trì sức khỏe thể chất và cả tinh thần sẽ là chìa khóa giúp tôi sớm vượt căn bệnh.
Sau khi vệ sinh cá nhân và đảm bảo xịt khử trùng ở mọi nơi từng đi qua, tôi trở về giường và xông mũi bằng nước gừng, sả do mẹ chuẩn bị sẵn.
Buổi tối, tôi có triệu chứng ngạt mũi nhẹ, kẹp SpO2 97% cùng nhịp tim 80 nhịp/phút. Kết quả test nhanh vẫn cho thấy tôi dương tính với virus.
Chiếc lều nhỏ được anh Năng đặt trong phòng để xông nước gừng, sả. Ảnh: NVCC. |
Ngày thứ 4 (27/7)
Cảm giác hơi nóng người, tôi tự đo nhiệt độ cơ thể, kết quả vẫn ở mức 36,7 độ C. Các chỉ số khác ổn định với SpO2 97%, nhịp tim 80 nhịp/phút.
Tôi bắt đầu có biểu hiện nặng đầu, cơ thể mệt mỏi, ho có đờm và mất khứu giác, vị giác. Qua các thông tin đọc được, tôi biết đây đều là những triệu chứng thường gặp ở người mắc Covid-19. Do đó, tôi cố gắng giữ bình tĩnh và duy trì tập thể dục, thiền và hít thở.
Theo tư vấn của bác sĩ, tôi dọn dẹp, vệ sinh phòng ở của mình và cố gắng ăn uống đầy đủ. Trong ngày, tôi cũng thường xuyên đo lại các thông số sinh tồn cơ bản, thân nhiệt của tôi tăng dần và lên đến 37,5 độ C vào buổi tối.
Ngày thứ 5 (28/7)
Nhiệt độ cơ thể tôi tới sáng nay giảm còn 36,9 độ C. Tuy nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy lừ đừ, nhức mỏi người hơn cùng các triệu chứng khác. Dẫu vậy, tôi vẫn có thể vận động bình thường, sau đó súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, uống một cốc nước ấm và ăn sáng.
Trưa ngủ dậy, thân nhiệt tăng, tôi cố gắng ăn dù đã mất vị giác và uống một viên paracetamol. Trong ngày, tôi cũng tranh thủ vận động và xông mũi bằng gừng, sả, đồng thời tập hít thở theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong những ngày cách ly, anh Năng chủ động đo nồng độ oxy trong máu, thân nhiệt, nhịp tim thường xuyên. Ảnh: NVCC. |
Ngày thứ 6 (29/7)
Các chỉ số không có nhiều thay đổi nhưng tình trạng mệt mỏi vẫn tiếp diễn. Tôi tiếp tục duy trì vận động và ăn uống điều độ với hy vọng sớm khỏe lại. Dù ăn uống không ngon miệng, tôi vẫn cố gắng bổ sung hoa quả như nước cam, táo...
Chiều nay, sau khi xông hơi, một bên mũi của tôi bắt đầu ngửi được mùi, vị giác cũng tốt hơn đôi chút như những dấu hiệu tích cực đầu tiên. Tôi tiếp tục uống một viên paracetamol sau bữa ăn.
Ngày thứ 7 (30/7)
Tròn một tuần sau khi phát hiện mình nhiễm nCoV, tôi vẫn còn sốt, ho nhẹ khi hít sâu và duy trì tập luyện, xông nước gừng, sả, bồi bổ dinh dưỡng. Trưa hôm nay, thân nhiệt tăng cao nhất lên 38 độ C kèm triệu chứng nhức đầu dữ dội. Paracetamol tiếp tục giúp tôi hạ sốt và khỏe hơn vào buổi chiều.
Lúc này, tôi bắt đầu dừng đọc các thông tin tiêu cực về Covid-19 như số ca mắc mới, các trường hợp tử vong, diễn biến nặng... Thời gian tới, tôi tự nhủ phải lạc quan hơn, không suy nghĩ nhiều nữa. Chỉ như vậy, tôi mới có thể tiếp tục chiến đấu với bệnh.
Ngày thứ 8 (31/7)
2h, tôi bất ngờ lên cơn sốt. Tôi tỉnh dậy trong mơ màng và tìm thuốc uống. Đó có lẽ là khoảnh khắc đáng sợ nhất khi tôi hiểu rằng mình buộc phải cố gắng tỉnh táo, tự chăm sóc cho cơ thể. Thuốc giúp tôi quay trở lại giấc ngủ và chỉ còn hơi ấm, ho nhẹ vào buổi sáng. Các chỉ số trở về ngưỡng ổn định.
Vượt qua nỗi lo từ đêm, tôi nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng, học cách thiền và tiếp tục chăm chỉ tập luyện, hít thở để giữ tâm trạng ổn định.
Trong những ngày này, anh Năng nhận được nhiều sự hỗ trợ về thực phẩm từ mẹ và người thân. Bản thân anh cũng tự nhủ phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: NVCC. |
Ngày thứ 9, 10 (1-2/8)
Vẫn là những triệu chứng sốt, nhiệt độ tăng cao bất thường (chủ yếu vào buổi trưa), tức ngực và ho khi hít sâu. Tuy nhiên, tinh thần của tôi lúc này đã tốt hơn rất nhiều. Vượt qua những thời điểm khó khăn nhất và vẫn có thể duy trì ăn uống, tập luyện hàng ngày, tôi tự tin rằng mình có thể sớm khỏi bệnh trong những ngày tới.
Thời gian này, tôi nghĩ yếu tố tâm lý là chìa khóa giúp chúng ta vượt qua được bệnh. Hàng loạt tin nhắn, cuộc gọi thăm hỏi từ gia đình, những người bạn thân cũng kéo tôi khỏi lo lắng rất nhiều lần. Sự hỗ trợ về đồ ăn, thức uống từ mẹ cũng cho tôi thêm động lực.
Ngày 11, 12 và 13 (3-5/8)
Tôi tỉnh dậy và bất ngờ thấy sức khỏe mình tốt hơn nhiều. Tình trạng sốt đã không còn, thay vào đó là một vài lần ho nhẹ.
Tối ngày 5/8, tôi tự lấy mẫu test nhanh. Kết quả cho thấy tôi âm tính với SARS-CoV-2. Nhìn vào một vạch đỏ trên thiết bị test nhanh, tôi như gỡ bỏ được nút thắt tâm lý đã kéo dài suốt gần 2 tuần qua.
Kết quả test nhanh âm tính ngày thứ 13 khiến anh Năng cùng gia đình gỡ bỏ được tâm lý căng thẳng suốt gần 2 tuần. Ảnh: NVCC. |
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cách ly tại nhà và chờ kết quả xét nghiệm khẳng định của trung tâm y tế phường.
Nhìn lại, tôi nghĩ đây là một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất cuộc đời mình. Tôi cũng hy vọng những người may mắn chưa nhiễm virus cần tuyệt đối cẩn trọng, tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân.
Lưu ý khi F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà:
- Tạo tâm lý thoải mái khi được sinh hoạt tại gia đình
- Thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh: phòng riêng, khép kín, thông gió và tuyệt đối không tiếp xúc gần người thân
- Tự theo dõi và phát hiện những yếu tố có thể đánh giá dấu hiệu sinh tồn, diễn biến nặng bao gồm: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu
- Người bệnh diễn biến nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…).
Xem thêm tại đây: Hướng dẫn F0 tự chăm sóc tại nhà.