- Thưa bộ trưởng, ý nghĩa và mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của bộ trưởng là gì?
- Trong suốt 20 năm qua, với tư cách là thành viên Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, tôi đã nỗ lực hết sức mình để trở thành nhịp cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam giúp cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Lần này sau bốn năm, tôi được quay lại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi sang thăm Việt Nam với tư cách bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản. Tôi mong chờ tận mắt chứng kiến được sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong bốn năm này.
Quan hệ giữa hai nước từng bước được tăng cường mạnh mẽ về chiều sâu thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước được tổ chức thường xuyên kể từ năm ngoái. Tháng 3 năm nay, trong chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhất trí với Thủ tướng Shinzo Abe về việc phát triển “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” giữa Nhật Bản và Việt Nam. Lần này, tôi mong rằng có thể hiện thực hóa các cơ hội đã có từ năm ngoái thông qua việc trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về hợp tác quan hệ giữa hai nước cũng như khu vực và quốc tế.
Cụ thể là: 1. Tăng cường quan hệ kinh tế bao gồm hợp tác nông nghiệp, 2. Tăng cường giao lưu giữa con người với con người thông qua các hoạt động như nới lỏng thủ tục thị thực đối với Việt Nam, tiếp nhận ứng cử viên hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam, 3. Xác nhận hợp tác liên kết liên quan đến tình hình khu vực hướng tới Hội nghị ngoại trưởng ASEAN vào tuần tới.
Năm ngoái là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đã có rất nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức tại hai nước. Đặc biệt, tại lĩnh vực thể thao, giao lưu giữa hai nước đã được tăng cường về chiều sâu. Năm ngoái, cầu thủ bóng đá Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên đá cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản và đã thành công tỏa sáng tại Câu lạc bộ Consadole Sapporo.
Bên cạnh đó, từ tháng 5 năm nay, ông Toshiya Miura, người Nhật Bản, đã chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi cũng mong rằng sẽ có thể tăng cường hơn nữa quan hệ văn hóa và thể thao giữa hai nước.
- Tháng 12/2013 tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí hai nước sẽ đàm phán về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Dự kiến khi nào Nhật Bản bàn giao các tàu này cho Việt Nam? Việc bàn giao và tập huấn sẽ được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Kishida Fumio. |
- Về việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam dựa theo đề nghị hợp tác liên quan đến việc nâng cao năng lực thực thi luật biển từ phía Việt Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ việc bắt đầu triển khai đàm phán cụ thể giữa hai nước.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ trong thời gian tới sẽ cử đoàn khảo sát liên quan đến việc cung cấp tàu tuần tra sang Việt Nam và vào cuối tháng đó, đoàn khảo sát gồm các cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cục Bảo an trên biển đã được cử đến Việt Nam. Từ giữa tháng 7, các chuyên gia đã bắt đầu thực hiện khảo sát tại Việt Nam. Về phía mình, Nhật Bản đã và đang thu thập thông tin cần thiết cho việc xem xét cung cấp tàu tuần tra và thực hiện thảo luận với các cơ quan liên quan phía Việt Nam về vấn đề này.
Nhật Bản cũng nhận thức được việc nâng cao năng lực thực thi luật biển của Việt Nam là điều cấp thiết, do đó Nhật Bản đang xem xét việc tiến hành đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này song song với việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
- Dư luận trong nước Nhật và nội bộ liên minh cầm quyền (Đảng New Komeito) phản đối việc mở rộng khái niệm tự vệ tập thể sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng đóng góp chủ động hơn của Nhật đối với an ninh khu vực?
- Trên lập trường “chủ nghĩa hòa bình tích cực” vốn được xây dựng dựa trên chủ nghĩa hòa hợp với quốc tế, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vì hòa bình và ổn định của thế giới.
Quyết định của Nội các Nhật Bản liên quan đến đường lối cơ bản về hoàn thiện pháp chế an ninh quốc phòng được đưa ra cách đây không lâu chính là một phần của lập trường đó. Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng bị đe dọa, đây chính là một trong những cơ chế để bảo vệ sinh mạng và cuộc sống hòa bình của người dân Nhật Bản. Dựa vào quyết định này, Hiến pháp Nhật Bản đã cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể có điều kiện và thông qua đó, Nhật Bản sẽ có thể đóng góp hơn nữa cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và các hỗ trợ về hậu cần. Sự phòng vệ chặt chẽ sẽ giúp tăng cường sức mạnh răn đe của Nhật Bản và giúp Nhật Bản tránh được tranh chấp. Do đó cơ chế của Nhật Bản vừa nêu sẽ đóng góp cho an ninh của khu vực bao gồm cả Việt Nam.
Tôi tin chắc rằng những người bạn Việt Nam đã và vẫn tin tưởng vào những bước đi của Nhật Bản sau chiến tranh trong 69 năm qua. Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục giữ vững những bước tiến với tư cách là một đất nước chuộng hòa bình. Điều quan trọng là chính sách an ninh quốc phòng này của Nhật Bản phải nhận được sự hiểu biết từ cả trong và ngoài nước. Chúng tôi đã nhận được ủng hộ từ nhiều nước trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á (ASEAN). Điều đó thể hiện rằng quyết định lần này của chúng tôi đã được mọi người đón nhận như một bước tiến kéo dài con đường với tư cách là đất nước yêu hòa bình. Nhật Bản sẽ tiếp tục giải thích một cách kỹ càng để tiếp tục nhận được sự đồng cảm từ trong và ngoài nước.
- Hiện nay quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt đẹp. Tuy nhiên, để hạn chế các tiêu cực như vụ đưa hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và tạo bước đột phá tích cực hơn, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể gì?
- Tôi rất tiếc vì vụ việc như JTC đã xảy ra. Liên quan đến vụ việc lần này phía Việt Nam đã nhanh chóng, tích cực làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh các cá nhân liên quan. Hơn nữa, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí về việc tăng cường chính sách phòng chống tái phát với sự hợp tác từ cả hai phía. Trong thời gian tới, điều quan trọng là hai bên Nhật Bản và Việt Nam thảo luận và cụ thể hóa chính sách phòng chống tái phát và tích cực thực hiện đúng theo quyết định đó.
Bên cạnh đó, về việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam thì cơ quan chính phủ và giới doanh nghiệp hai nước đã và đang hợp tác liên kết thực hiện giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam”. Trong thời gian tới, tôi hi vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ dần được cải thiện dựa theo khuôn khổ “sáng kiến chung” này và theo đó quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa.