Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhặt được vàng: Quá rắc rối

Nhặt được 5 lượng vàng, chị Phạm Tuyết Mai không những bị cho nghỉ việc, cuộc sống khó khăn mà còn vất vả “đáo tụng đình” trong hơn 1 năm qua.

Theo nguồn tin từ công an TP Cà Mau, ngày 1/9, một người đã lên tiếng tự nhận là chủ sở hữu số vàng mà chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi; ngụ xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nhặt được. Vì vậy, với lý do xác minh - dù đã quá thời hạn 1 năm - công an TP Cà Mau vẫn gia hạn 30 ngày để tìm chủ sở hữu số vàng này.

Giải quyết cù nhầy

Hơn 1 năm trước, chị Mai là công nhân của Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau. Trong lúc phân loại rác, chị nhặt được chiếc ví màu đỏ bên trong có nhiều nữ trang, tổng cộng gần 5 lượng vàng (24k và 18k). Sau đó, công an TP Cà Mau đã tạm giữ số vàng này và thông báo tìm chủ sở hữu.

Theo thông báo của công an TP Cà Mau đăng trên Báo Cà Mau ngày 15/8/2014, sau 30 ngày kể từ khi đăng thông báo, nếu không có ai đến liên hệ làm việc, số vàng sẽ sung vào công quỹ…

Đến ngày 9/12/2014, chị Mai gửi đơn đến công an tỉnh Cà Mau yêu cầu được nhận lại số vàng vì công an TP Cà Mau không tìm được chủ sở hữu. Ngày 16/12/2014, công an tỉnh Cà Mau chuyển đơn của chị Mai cho công an TP Cà Mau xử lý.

Ngày 13/3/2015, đại tá Nguyễn Quang Khởi, Trưởng công an TP Cà Mau, ký văn bản trả lời chị Mai. Văn bản nêu rõ: Nếu sau ngày 16/8 không có người nhận lại tài sản thì chị được quyền khởi kiện ra TAND TP Cà Mau vì vụ việc có tranh chấp với công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Công Lý (đơn vị chủ quản của Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau).

Thế nhưng, sau khi chị Mai khởi kiện, TAND TP Cà Mau xác minh công ty Công Lý không tranh chấp nên hướng dẫn chị liên hệ công an TP Cà Mau để giải quyết. Ngày 27/8, chị Mai tiếp tục gửi đơn đến công an TP Cà Mau và được hẹn đến ngày 16/9 sẽ giải quyết.

Chị Mai với quyết định sa thải của Công ty Công Lý sau khi nhặt được vàng.
Chị Mai với quyết định sa thải của công ty Công Lý sau khi nhặt được vàng.

Một điều tra viên của công an TP Cà Mau cho biết hướng giải quyết số vàng nêu trên là sẽ áp dụng theo khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự. Theo đó, chị Mai sẽ nhận 10 tháng lương tối thiểu và 50% tài sản còn lại.

“Vì số vàng trong ví da không phải là vật cố ý bỏ nên được xác định là vật đánh rơi hoặc bỏ quên. Vật mà người ta cố ý từ bỏ mới là vật vô chủ. Thêm nữa, bà Mai nhặt được là trên băng tải của nhà máy chứ không phải bãi rác công cộng. Người nhặt là công nhân của nhà máy, phải theo quy định của nhà máy. Hiện nay, đã có người gọi đến đơn vị nhận mình là chủ số vàng này. Dù hết thời gian theo quy định nhưng nếu có người trực tiếp đến khai nhận là chủ tài sản thì chúng tôi vẫn phải xác minh” - điều tra viên giải thích.

Theo điều tra viên này, số vàng đang được niêm phong, lưu giữ tại công an TP Cà Mau. Trong khi đó, mẫu thông báo đăng trên Báo Cà Mau được giải thích là do nhầm lẫn, đúng ra thì thời hạn phải là 1 năm!

Nữ công nhân miền Tây sẽ nhận hơn nửa số vàng nhặt được

Công an TP Cà Mau (Cà Mau) đã có hướng giải quyết số vàng mà công nhân phân loại rác nhặt được sau hơn một năm không tìm được chủ sở hữu.

“Lượm tài sản của nhà máy”?

Chị Mai cho biết thời điểm phát hiện được ví đựng vàng là vào 15h ngày 4/8/2014 khi chị đang phân loại rác ở băng tải số 4. Đúng 1 giờ sau, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc Điều hành Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau, đã lập biên bản vụ việc. Điều lạ lùng là tiêu đề biên bản ghi: “Về việc lượm tài sản của nhà máy”.

Theo chị Mai, trong lúc lập biên bản vụ việc, giữa chị và ông Tân đã xảy ra tranh cãi. Thấy tình hình căng thẳng nên cả 2 bên cùng đồng ý giao công an xử lý. Ngày 13/8/2014, chị Mai nhận điện thoại của phòng tổ chức công ty Công Lý thông báo cho nghỉ việc kể từ hôm đó. Ngày 1/9/2014, chị Mai chính thức nhận quyết định sa thải. Quyết định nêu rõ chị bị cho thôi việc theo đề nghị của giám đốc điều hành bởi vi phạm nội quy nhà máy ngày 4/8/2014 (hôm nhặt vàng).

“Ngay sau khi bị lập biên bản vì “lượm tài sản của nhà máy”, tôi bị tạm đình chỉ công việc. Hôm sau, tôi nghỉ làm, có xin phép tổ trưởng. Ngày kế tiếp, tôi đến làm việc thì cán bộ phòng tổ chức thông báo là chờ nhận quyết định nghỉ việc… Sau khi nghỉ việc, tôi nhận được trợ cấp 3 tháng lương. Cuộc sống của gia đình tôi hiện rất khó khăn vì chồng bệnh tật, mất khả năng lao động” - chị Mai buồn bã.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Tân cho rằng do chị Mai tự ý nghỉ việc nên mới ra quyết định cho nghỉ, chứ không phải vì lý do không chịu nộp lại vàng cho nhà máy. Tuy nhiên, quyết định cho thôi việc, như lời ông Tân, là hoàn toàn trái luật bởi thời gian tự ý nghỉ việc (nếu có) của chị Mai chưa vượt quá 5 ngày nghỉ dồn trong 1 tháng.

Sung công gần 5 lượng vàng công nhân nhặt được ở Cà Mau

Ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau, cho biết, nhà máy đã sung công quỹ toàn bộ gần 5 lượng vàng do một công nhân nhặt được trong lúc làm việc tại đây.

Đã có “án lệ”

Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Phạm Tuyết Mai, luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) cho rằng việc công an TP Cà Mau áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự để xử lý vụ việc này là chưa chuẩn xác mà nên áp dụng khoản 2, điều 239. 

Theo đó, nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số vàng phải thuộc về người phát hiện, tức chị Mai. Vụ việc của chị Mai đã có tiền lệ, đó là trường hợp của chị ve chai Nguyễn Thị Ánh Hồng - người nhặt 5 triệu yen trong chiếc thùng loa ở TP HCM.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhat-duoc-vang-qua-rac-roi-20150902215953142.htm

Theo Duy Nhân/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm