Quyết định được đưa ra sau khi hơn 210.000 phiếu bầu từ 1.600 địa điểm trên toàn nước Nhật được thu thập, theo thông báo từ Hiệp hội Kiểm định Năng lực Hán tự Nhật Bản hôm 12/12.
Mỗi năm, hiệp hội sẽ chọn ra một chữ Hán ("kanji", tức "Hán tự") mô tả năm đó một cách trọn vẹn nhất. Một nhà sư tại chùa Kiyomizu sẽ viết chữ này lên một tấm bảng lớn bằng nghệ thuật thư pháp truyền thống.
Bản thân chữ "lệnh" xuất hiện phổ biến trong các từ như "mệnh lệnh", "khẩu lệnh"... Song chữ này còn có nghĩa khác là "tốt đẹp", được thấy qua các từ như "lệnh danh" (tiếng tăm), "lệnh đức" (phẩm chất tốt)... Ngoài ra, chữ này còn được dùng để gọi người khác một cách tôn kính như "lệnh huynh", "lệnh đệ"...
Nhà sư Seihn Mori, trụ trì chùa Kiyomisu ở Kyoto, viết chữ "lệnh" bằng nghệ thuật thư pháp hôm 12/12. Ảnh: Reuters. |
Niên hiệu Lệnh Hòa (phiên âm tiếng Nhật là "Reiwa") được chọn từ tập thơ cổ nhất Nhật Bản có tên là Vạn Diệp Tập, ra đời vào năm 730. Hai chữ "lệnh" và "hòa" xuất hiện trong bài thơ nói về sự bung nở của hoa mơ sau mùa đông khắc nghiệt, và niên hiệu mới được hiểu là "sự hòa hợp tốt đẹp".
"Như hoa mơ bung nở diệu kỳ sau mùa đông băng giá, báo hiệu mùa xuân tới, mỗi người dân Nhật Bản đều có thể hy vọng về tương lai và bung nở những bông hoa của chính mình", Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói với phóng viên tại Tokyo, sau khi niên hiệu mới được công bố hôm 1/4 theo Guardian.
Nhật Bản duy trì cả hai cách gọi năm: theo lịch phương Tây và theo niên hiệu tương ứng với thời gian trị vì của một vị vua.
Thái thượng hoàng Akihito, cha của Nhật hoàng hiện tại, thoái vị hôm 30/4 và đây là ngày cuối cùng của thời đại Bình Thành (Heisei). Nhà vua Naruhito lên ngôi ngày 1/5, mở ra thời kỳ mới và năm 2019 được gọi là "Lệnh Hòa nguyên niên".