Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết tàu ngầm bị phát hiện là tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương, thế hệ tàu ngầm mới được Trung Quốc đưa vào biên chế.
"Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có khả năng trang bị tên lửa hành trình tầm xa, có thể thực hiện những chuyến hải trình dài ngày. Khó có thể phát hiện được dấu vết của nó bởi nó lặn rất sâu", ông Onodera chỉ trích hôm 15/1.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương của Trung Quốc. Ảnh: Military Today. |
Nhật Bản cho biết tàu ngầm của Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của nước này, một hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng. Vùng tiếp giáp lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý tính từ rìa ngoài của lãnh hải, nơi quốc gia ven biển có quyền thực thi các quyền chủ quyền như tiến hành các biện pháp kiểm soát cần thiết và thực thi pháp luật.
Cáo buộc của Nhật Bản được đưa ra cùng ngày với tuyên bố của Trung Quốc cho biết nước này triển khai 3 phương tiện thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển tiến hành các hoạt động tuần tra trong vùng nước ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc hay Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đối tượng tuyên bố chủ quyền của cả Nhật Bản và Trung Quốc. Đồ họa: VOA. |
Trước đó, Nhật Bản cũng chính thức phản đối việc Trung Quốc triển khai tàu khu trục lớp Jiangkai-II và một tàu ngầm không xác định danh tính tới vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/1.
Đáp lại, Trung Quốc cho biết tàu chiến nước này đang thực hiện giám sát các hoạt động của phía Nhật Bản. Bắc Kinh hiện vẫn phủ nhận việc đưa tàu ngầm tới vùng đảo tranh chấp.
Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản coi Senkaku là một phần của thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa trong khi Trung Quốc coi quần đảo này thuộc huyện Nghi Lan, Đài Loan.