Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe, Masahiko Shibayama, nói với Bloomberg rằng các kế hoạch này dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản.
"Đây là điều không thể tránh khỏi trong tình hình thị trường toàn cầu hiện nay. Do vậy chúng tôi phải tạo ra một hệ thống bền vững để tiếp nhận thêm nhiều người nước ngoài đến làm việc", Shibayama nói.
Nhắm đến nhân lực Việt Nam
Ông Yasutoshi Nishimura, cố vấn của Thủ tướng Abe và từng là thứ trưởng phụ trách kinh tế, nói Tokyo đã thông qua một dự luật vào mùa thu này, nhằm mở rộng hệ thống "thực tập sinh".
Theo đó, lao động nước ngoài sẽ được cho phép nhập cảnh trong một thời gian có giới hạn, và được cấp thị thực theo những phân loại mới dựa trên tình hình nhân lực thiếu hụt ở các ngành. Chẳng hạn, Quốc hội Nhật Bản đang xem xét để đưa ngành điều dưỡng vào nhóm được cấp quy chế thường trú cho người nước ngoài.
Cô Dinh Thi Chuc (trái) trao đổi với đồng nghiệp tại bệnh viện Kashiwado, tỉnh Chiba. Ảnh: Kyodo
|
Khoảng 190.000 người nước ngoài đang làm việc dưới hình thức thực tập sinh ở các công ty Nhật Bản. Luật mới sẽ nâng thời gian giới hạn của họ lên 5 năm từ mức đang áp dụng là 3 năm, đồng thời thành lập cơ quan giám sát để ngăn chặn các trường hợp công ty bóc lột những thực tập sinh nước ngoài.
"Các quan chức cũng đang thảo luận để thu hút thêm nguồn nhân lực trong ngành công nghệ từ các nước như Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi cũng muốn chiêu mộ thêm người làm trong ngành du lịch", ông Nishimura nhấn mạnh.
Chính sách thu hút lao động nhập cư có tay nghề cao được xem là một giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở một nước dân số già nhưng tỷ lệ sinh thấp như Nhật Bản.
Lao động Việt Nam đông thứ hai
Hồi tháng 4, Kyodo cho biết chính phủ Nhật Bản dự báo số lượng lao động nước ngoài tại quốc gia này sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu người trong năm nay.
Cho đến tháng 10 năm ngoái, Cơ quan Thống kê Nhật Bản cho biết lao động Trung Quốc chiếm phần lớn trong nhóm lao động nhập cư ở nước này, với tỷ lệ 35,5%. Sau đó là lao động từ Việt Nam, Philippines và Brazil. Theo Financial Times, số lượng thực tập sinh từ Việt Nam đã tăng gấp 3 kể từ năm 2012 và hiện đạt gần 58.000 người.
Các địa phương có người nước ngoài làm việc đông nhất là Tokyo, rồi đến tỉnh Aichi và tỉnh Kanagawa. Phần lớn những công ty tuyển dụng người nước ngoài là các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Tuy nhiên, những tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang tăng tỷ lệ nhân viên ngoại quốc.
Việc chính phủ xem xét sửa đổi các quy định với lao động nhập cư, cụ thể về thời gian lưu trú, sẽ hỗ trợ các công ty trong việc phát triển chất lượng nhân công.
TSS Co., một công ty sản xuất máy móc công nghiệp, trong năm 2015 lần đầu tiên tiếp nhận 6 thực tập sinh VN tới Nhật Bản. Nobuyuki Arakawa, quản lý của TSS cho biết họ làm việc ở dây chuyền sản xuất tại tỉnh Toyama, miền trung Nhật Bản.
Công ty tuân thủ đúng luật như trả lương 200.000 yen/tháng cho các thực tập sinh, bao gồm lương cơ bản, tăng ca và các chi phí khác. Nhưng họ không muốn đầu tư phát triển thêm cho những người này vì thời hạn thị thực.
"Chúng tôi chỉ muốn đầu tư cho những người cam kết với công ty từ trung và dài hạn. Trong khi các thực tập sinh chỉ làm việc cho chúng tôi 3 năm", ông Arakawa giải thích với Bloomberg.