Lượt trận cuối cùng của bảng D giữa Olympic Việt Nam và Nhật Bản đã không còn mang quá nhiều sự kịch tính khi cả 2 đội đã chắc chắn lọt vào vòng knock-out tại ASIAD năm nay. Trận đấu này chỉ có ý nghĩa với đội bóng nào muốn giành ngôi đầu bảng D với những tính toán đường dài cho riêng mình.
Nói như ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao từng đưa Việt Nam tham dự các kỳ Olympic, ASIAD trước đây, Việt Nam không cần thắng Nhật Bản, mà quan trọng cần tập trung cho mục đích lâu dài để tiến sâu vào vòng trong.
Ngược lại, Nhật Bản cũng không cần phải bung sức với trận đấu gặp Olympic Việt Nam. Thực tế đã cho thấy, dù để thua từ rất sớm, các "võ sĩ Samurai xanh" vẫn nhường thế trận cho đoàn quân áo trắng ở hiệp 1 mà không tràn lên ngay lập tức tìm bàn gỡ. HLV Hajime Moriyasu có lẽ đã "chuẩn bị sẵn" một thất bại để phục vụ cho nước cờ tiếp theo của ông.
Đội hình trong quá trình kiểm nghiệm
Cả 20/20 cầu thủ Nhật Bản đến Indonesia đều đã được vào sân. Ảnh: Việt Hùng. |
Trong 3 trận đấu tại vòng bảng, HLV Moriyasu đã tung ra sân trọn vẹn 20/20 cầu thủ hành quân đến Indonesia năm nay, trong đó có trường hợp cá biệt của thủ môn Kojima Ryosuke không thể tiếp tục bắt chính vì chấn thương, phải thay bằng Obi Powell Obinna. Điều đặc biệt là không có cầu thủ nào được ra sân trọn vẹn cả 3 trận.
Với một lực lượng rất trẻ là những cầu thủ dưới 21 tuổi, HLV Moriyasu có lẽ sẽ muốn tất cả cầu thủ đều được ra sân và thể hiện khả năng của mình, giúp ông có thời gian quan sát các học trò để tìm cho mình những cái tên xuất sắc.
Vòng bảng này chỉ đơn giản là một bài kiểm tra, nơi mỗi các cầu thủ đều có ít nhất một trận được ra sân đá chính để chứng tỏ năng lực. Đây chắc chắn sẽ là cách tốt nhất để HLV Moriyasu quan sát và rèn luyện cho lực lượng nòng cốt sẽ tham dự Olympic 2020 tại quê hương.
Ngoài ra, theo thống kê, trong đội hình HLV Moriyasu tung ra sân gặp Olympic Việt Nam, có 7 trong 11 vị trí đá chính giống đội hình ra quân đối đầu Nepal, trận đấu đã kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về xứ sở mặt trời mọc.
Trong khi đó, cũng có tới 7/11 cầu thủ ra sân trong trận gặp Việt Nam khác với đội hình của Nhật Bản khi thắng 4-0 Pakistan. Iwasaki Yuto, cầu thủ đã lập cú đúp vào lưới Pakistan cũng không được HLV Moriyasu tung ra sân trong trận đấu vừa qua.
Điều này có thể được hiểu rằng khi cần một chiến thắng để chắc suất đi tiếp vào vòng trong, Nhật Bản tung ra một đội hình mạnh để chạm trán với Olympic Pakistan. Còn trong một trận đấu không còn cần chiến thắng, HLV Moriyasu đã cất đi những cầu thủ tốt nhất để bảo toàn lực lượng cho vòng sau.
Bên cạnh đó, trong trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản, toàn bộ đội tuyển Olympic Malaysia đã có mặt trên khán đài để theo dõi và nghiên cứu đối thủ. Sẽ là khôn ngoan khi HLV không tung hết "bài" ra trước mắt đối thủ sắp có trận đá loại trực tiếp với mình.
Người Nhật không ngại Malaysia
Thành tích đối đầu và thành tích gần nhất của U23 Nhật Bản và U23 Malaysia. |
Sự chắc chắn, chỉn chu và cẩn thận của người Nhật đã trở thành những phẩm chất nổi tiếng từ bao đời nay. Không loại trừ khả năng HLV Moriyasu đã chủ động "lựa chọn" đối thủ tiếp theo của mình là đội tuyển Olympic Malaysia, trong bối cảnh đoàn quân của HLV Ong Kim Swee đã chắc chắn đứng đầu bảng E từ ngày 17/8 dù chưa kết thúc vòng bảng.
Như vậy, nếu như về nhì bảng D, Nhật Bản đã sớm biết đối thủ của mình là ai để lên kế hoạch nghiên cứu phân tích, chuẩn bị chiến thuật và tập luyện cho các học trò. Trong khi đó, về lý thuyết, Việt Nam phải chờ đến ngày 20/8, ngày kết thúc các trận đấu cuối cùng của bảng F mới biết được chính xác danh tính của đối thủ tiếp theo, muộn hơn 3 ngày so với Nhật Bản.
Sớm biết Olympic Malaysia là đội bóng đứng đầu bảng E, xét trên thành tích đối đầu trong quá khứ, HLV Moriyasu có lẽ không "ngại ngần" gì để lựa chọn chạm trán với đội bóng khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê trên trang Futbol24, trong lịch sử, 2 đội bóng Nhật Bản và Malaysia ở cấp độ U23 đã 6 lần gặp nhau, đại diện xứ sở phù tang giành chiến thắng cả 6.
Tất nhiên, ASIAD năm nay có nhiều khác biệt khi lực lượng của các đội bóng tham dự là U23+3, trong khi Nhật Bản lại chỉ mang đến Indonesia các cầu thủ dưới 21 tuổi. Tuy nhiên, với thành tích đối đầu cùng những tính toán căn ke của HLV Moriyasu, Nhật Bản vẫn là đội bóng xếp "cửa trên" so với Malaysia.
Toan tính được nhìn thấy từ World Cup
Mùa hè năm nay, ĐTQG Nhật Bản đã có một màn trình diễn tương đối thành công khi vượt qua vòng bảng và chỉ để thua ở vòng 1/8 trước đội tuyển Bỉ sở hữu hàng công được đánh giá mạnh nhất World Cup 2018.
Đó là chưa kể đến việc đội bóng áo xanh thậm chí còn vươn lên dẫn trước đoàn quân của HLV Roberto Martinez với tỷ số 2-0 và chỉ chịu thua ở những phút cuối cùng của trận đấu. Tại vòng bảng, Nhật Bản cũng để lại dấu ấn khi là đại diện duy nhất của giải đấu lọt vào vòng knock-out nhờ chỉ số fair-play.
Trong trận đấu gặp Ba Lan, HLV Nishino đã cất gần hết trụ cột của mình trên băng ghế dự bị và bước vào trận đấu với tâm lý thủ hòa. Suýt chút nữa âm mưu này đã sụp đổ khi họ bằng điểm với Senegal và phải đợi hệ số phụ để phân định cục diện bảng đấu.
Qua 2 giải đấu này, có thể thấy rằng các HLV Nhật Bản luôn tính toán rất bài bản, chi li và đầy tính thực dụng. Trong những trận đấu không cần thắng, người Nhật luôn có tư duy sẵn sàng "hy sinh" để bảo toàn lực lượng, miễn là đạt được mục đích đi đến chặng đua cuối cùng.