Hôm 4/4, chính quyền Nhật Bản tái khẳng định Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra như kế hoạch vào tháng 7 tới bất chấp dịch virus corona chủng mới. Một ngày trước đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng tuyên bố ủng hộ quyết định của Tokyo.
South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế Noriko Hama thuộc Đại học Doshisha (Kyoto) cho biết có nhiều lý do dẫn tới quyết định của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.
"Nhật Bản đã chi số tiền khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng mới và trông đợi vào nguồn thu từ hàng chục nghìn du khách nước ngoài. Hơn nữa, đây còn là niềm tự hào quốc gia", giáo sư Hama giải thích.
Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp về dịch virus corona. Ảnh: Reuters |
Theo kế hoạch ban đầu, Nhật Bản đầu tư tổng cộng 1.060 tỷ yen (tương đương 9,81 tỷ USD) cho Olympic 2020. Tuy nhiên hồi tháng 12/2019, các nhà tổ chức thừa nhận chi phí bị dội lên 1.350 tỷ yen (12,35 tỷ USD).
Ngoài ra còn phải kể đến số tiền 3 tỷ yen (gần 28 triệu USD) để di dời địa điểm tổ chức thi marathon và đi bộ từ Tokyo tới Sapporo (Hokkaido) nhằm tránh thời tiết nóng ẩm ở thủ đô Nhật Bản.
Bên cạnh đó, có ý kiến còn cho rằng Thế vận hội khiến cuộc sống người dân gián đoạn do lượng lớn du khách đổ ập về thành phố. Thế vận hội được tổ chức vào tháng 7, cao điểm mùa hè nước này còn gây ra nguy cơ sức khỏe cho vận động viên, quan chức và khán giả. Thậm chí sức nóng có thể khiến con người tử vong.
Theo giáo sư Stephen Nagy thuộc Đại học Công giáo Quốc tế (Tokyo), điều chính quyền Thủ tướng Abe lo ngại nhất là việc hủy Olympic Tokyo 2020 sẽ làm tổn thương hình ảnh quốc gia của Nhật Bản.
Nhật Bản đầu tư gần 13 tỷ USD cho Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Reuters. |
“Khoảng 7-8 năm trước, Nhật Bản bị xem là quốc gia trì trệ. Nhưng điều đó đã thay đổi. Hiện thương hiệu Nhật Bản đang rất mạnh mẽ, đặc biệt sau khi nước này tổ chức thành công Hội nghị G-7 và giải Vô địch thế giới bóng rugby năm ngoái”, giáo sư Nagy cho biết.
Theo ông Dick Pound - thành viên cấp cao của IOC - các nhà tổ chức cần đưa ra quyết định cụ thể và cuối cùng vào cuối tháng 5, tổ chức hoặc hủy. "Rất khó để hoãn một sự kiện quy mô khổng lồ như Olympic. Có quá nhiều bên tham gia, quá nhiều quốc gia", ông cho biết.
Do đó, hầu như không có khả năng IOC đồng ý chuyển Olympic tới một thành phố nào khác.