Nhật Bản ra mắt robot chống bức xạ hạt nhân
Hơn một năm sau khi thảm họa kép kèm theo sự cố hạt nhân xảy ra trên xứ sở hoa anh đào, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho ra mắt loại robot chịu được mức độ bức xạ và nhiệt độ cao.
Các chuyên gia chế tạo máy hàng đầu hãng điện tử Toshiba của Nhật Bản hôm qua cho ra mắt chú robot hình dạng kỳ dị nhưng đủ khả năng làm việc trong môi trường bức xạ hạt nhân và nhiệt độ cao, đủ sức vào trong những lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố để theo dõi hay thậm chí là tạm dừng mọi hoạt động của nó.
Robot mang tên Tetrapod của Toshiba trong lần đầu ra mắt. |
Là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ chế tạo robot nhưng Nhật Bản hoàn toàn bất lực khi những đứa con tinh thần của nước này phải chịu thua trước sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima hồi tháng 3 năm ngoái.
Chính vì lẽ đó, Nhật Bản ngay lập tức phát triển những thế hệ robot mới, có khả năng làm việc tốt trong lòng những lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố. Đi đầu và sắp sửa cán đích là sản phẩm của hãng Toshiba, với mẫu robot 4 chân, có khả năng mang theo 20 kg thiết bị, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong trường hợp thảm họa hạt nhân đe dọa các lò phản ứng.
Tetrapod thể hiện khả năng di chuyển vượt chướng ngại vật. |
Với 20 kg thiết bị cùng trọng lượng của bản thân, chú robot mới được thiết kế để có thể di chuyển trên những địa hình gồ ghề, mấp mô, lên xuống cầu thang hay thậm chí là tự đứng dậy sau khi vấp ngã. Như vậy, chú robot mang tên Tetrapod chỉ cao hơn 1m nhưng có thể di chuyển nhẹ nhàng với 85 kg, bao gồm 65 kg là trọng lượng cỗ máy. Nó còn được trang bị những cảm biến nhạy bén nhằm xác định mức độ phóng xạ cũng như trang bị máy quay để các chuyên gia có thể quan sát và ra lệnh điều khiển hợp lý cho cỗ máy.
Thậm chí, Tetrapod còn có thể mang theo một robot nhỏ có gắn máy quay trong trường hợp những robot chuyên dụng hơn không thể tự vượt qua những vật cản để tiếp cận lõi lò phản ứng. Ngoài ra, robot nhỏ sẽ được những cánh tay của Tetrapod triển khai trong trường hợp nơi cần nghiên cứu quá hẹp đối với chú robot nặng 65 kg.
Tetrapod gặp sự cố đột ngột buộc các chuyên gia phải đưa nó trở về phòng nghiên cứu. |
Toshiba cho biết, họ đang tiếp tục phát triển các nhà năng khác của Tetrapod, bao gồm khả năng triển khai và đưa vào hoạt động những thiết bị chống phóng xạ, ngăn chặn dòng chảy của nước bên trong lò phản ứng hạt nhân hay thậm chí là tự dọn dẹp những vật cản xuất hiện trên đường đi của nó trong quá trình tiếp cận lõi lò phản ứng.
Tuy nhiên, những kế hoạch của Toshiba đang không được thuận lợi như mong muốn bởi mẫu thử nghiệm đầu tiên của Tetrapod đã ngừng hoạt động đột ngột trong lần đầu ra mắt. Theo đó, Tetrapod gặp sự cố và không thể hoạt động sau khi thực hiện động tác lấy lại thăng bằng khi đang trình diễn.
Sự cố nghiêm trọng khiến việc ra mắt của Tetrapod không được thuận lợi như mong muốn. Sau đó, các chuyên gia kỹ thuật cao buộc phải đưa Tetrapod trở lại phòng nghiên cứu trong sự ngượng ngùng. Tuy nhiên, Tetrapod không phải là chú robot xử lý hạt nhân duy nhất gặp sự cố. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, sản phẩn của Viện Công nghệ Chiba đã mất tích khi được triển khai thâm nhập vào lò phản ứng Fukushima số 2. Không may mắn như Tetrapod, chú robot kia bị bỏ lại trong lò phản ứng hạt nhân bị hư hại vì không thể thu hồi.
Video: Thử nghiệm robot Tetrapod. |
Hồng Duy
Theo Infonet