Nhật Bản cho biết sự việc trên diễn ra trên biển Hoa Đông vào ngày 20/1, khi máy bay tuần tra của nước này quan sát thấy tàu Rye Song Gang 1 của Triều Tiên cùng tàu Yuk Tung thuộc đăng ký của Dominica.
Theo Japan Times, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nghi ngờ hai tàu này đang tuồn dầu cho nhau, một hành vi được cho là vi phạm các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tokyo cũng đưa ra hình ảnh cụ thể của hai con tàu trên biển Hoa Đông.
Hình ảnh hai con tàu được máy bay tuần tra của Nhật ghi lại. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản. |
Nhật Bản cho biết nước này đã báo cáo lên cơ quan phụ trách vấn đề trừng phạt Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, bởi dầu thô cũng như các sản phẩm từ dầu đều không được phép nhập vào Triều Tiên theo các lệnh trừng phạt từ năm 2017.
Tàu Rye Song Gang 1 thuộc sở hữu của công ty Kumbyol Trading từ Triều Tiên. Theo số liệu hàng hải, lần cuối cùng con tàu hoạt động là hồi đầu tháng 6/2017.
Trong khi đó, tàu Yuk Tung, lần cuối cùng hoạt động vào ngày 2/1 ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Nó thuộc sở hữu của công ty Yuk Tung Energy, có văn phòng tại Singapore.
Hệ thống Dò tìm Tự động (AIS) được gắn trên tàu sẽ ghi lại lịch trình, quãng đường một cách cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, một khi thiết bị này bị tắt, đặc biệt vào ban đêm, con tàu sẽ gần như "vô hình", trừ khi được theo dõi bởi vệ tinh.
Theo các quan chức hàng hải, AIS thường bị tắt khi tàu tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Điều này khiến nguy cơ va chạm trên biển gia tăng đáng kể.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt tàu Rye Song Gang 1 cùng 19 tàu khác vào tháng 11 năm ngoái do các hoạt động phạm pháp. Washington thậm chí còn đưa ra hình ảnh tàu Rye Song Gang 1 tham gia trao đổi dầu vào ngày 1/10/2017.
Triều Tiên liên tục bắn tên lửa trong năm 2017, nguyên nhân chính dẫn tới những lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Đồ họa: Union of Concerned Scientists. |
Mỹ đã kêu gọi Liên Hợp Quốc đưa tàu Rye Song Gang 1 cùng một số tàu khác của Triều Tiên vào danh sách đen do vi phạm lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Washington cung cấp những bằng chứng cụ thể về những tàu hàng của Trung Quốc tìm cách hỗ trợ Triều Tiên thông qua các hoạt động cung cấp, trao đổi hàng hóa.
Cuối tháng 12, một tàu dầu mang cờ Hong Kong đã bị bắt ở cảng Hàn Quốc vì bị nghi ngờ bí mật chuyển 600 tấn dầu cho tàu Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên từng nhiều lần bị phát hiện lén nhập dầu từ tàu của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, cả Moscow và Bắc Kinh đều bác bỏ thông tin này.