Masaya Maruyama, vợ Junko và anh trai Koichi ngồi đằng sau chiếc xe tải, cố gắng tận hưởng chút bóng mát ít ỏi khi họ cầm trên tay những chai soda cam cỡ lớn.
Gia đình theo nghề sửa ống nước đã ở ngoài trời từ 8h. Đến 11h chiều 1/7, nhiệt độ tại công trường xây dựng ở Isezaki dao động quanh mức 42 độ C.
“Nhiệt độ lên tới 47 độ C vào chiều hôm kia”, ông Maruyama nói.
Khi được phóng viên BBC hỏi cách để có thể làm việc trong điều kiện thời tiết oi bức như vậy, ông cho hay “chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này trước đây”.
Cả 3 người đều mặc áo khoác có gắn sẵn quạt điện thổi gió mát quanh người. Nhưng như thế vẫn chưa thấm vào đâu so với cái nóng bức của Nhật Bản.
Đối với nhiều người, cái nóng trong vài ngày qua khiến người ta cảm thấy vừa kỳ lạ, vừa kinh hoàng. Đáng nhẽ ra, vào thời điểm này trong năm, Nhật Bản đang ở giữa mùa mưa. Nhưng trên khắp Nhật Bản hiện tại, bầu trời vẫn trong xanh, và nhiệt kế thường xuyên chạm mốc hơn 30 độ, và hai lần vượt 40 độ C trong tuần này.
Và đó chỉ là nhiệt độ ghi nhận chính thức. Bước ra khỏi bóng râm, người dân còn thấy nóng bức hơn nhiều.
Tháng 6 nóng nhất trong gần 150 năm
Theo nhà khí tượng học Sayaka Mori, mặc dù mùa hè chưa bắt đầu, 263 địa điểm trên khắp Nhật Bản đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục trong 6 ngày qua. Hôm 30/6, Tokyo chạm mức 36,4 độ C - mức cao nhất từng được ghi nhận ở thủ đô vào tháng 6 từ năm 1875.
Tính đến ngày 1/7, nhiệt độ khu vực xung quanh Tokyo trên 35 độ C trong ngày thứ 7 liên tiếp. Dự kiến, người dân phải trải qua cuối tuần nóng nực. Nhiệt độ có thể dễ chịu hơn một chút khi dự báo mưa sẽ xuất hiện vào đầu tuần tới.
Ông Koichi Maruyama mặc áo khoác gắn quạt, thổi hơi mát lên người để chống chọi với cái nóng. Ảnh: BBC. |
Nhật Bản thường xuyên chứng kiến “mùa hè như thiêu đốt”. Năm ngoái, một số sự kiện tại Thế vận hội Tokyo vào cuối tháng 7 phải dời lại do nắng nóng.
Tuy nhiên, nóng vào thời điểm này trong năm là khá bất thường. Nhiệt độ tháng 6 năm nay cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu lưu trữ thông tin thời tiết cách đây 147 năm.
Chính phủ Nhật Bản cảnh báo tình hình sẽ còn tiếp diễn và liên tục khuyến cáo người dân không nên sử dụng khẩu trang ngoài trời. Người dân đất nước châu Á này vốn đã quen đeo khẩu trang ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
“Vì đeo khẩu trang làm tăng nguy cơ say nắng, hãy cởi khẩu trang khi đi ra ngoài nếu ở cách xa và không nói chuyện với người khác”, Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara nói.
Tiết kiệm điện, nhưng đừng tắt điều hòa
Chính phủ Nhật Bản hiện kêu gọi người dân cắt giảm sử dụng thiết bị điện và đèn càng nhiều càng tốt, nhưng cũng đồng thời không nên tắt điều hòa không khí.
Hôm 30/6, mạng lưới điện ở Tokyo - nơi sinh sống của 37 triệu người - đã chạm gần mốc có thể mất điện diện rộng. Sau đó một ngày, giới chức không còn cảnh báo về khả năng thiếu điện lần đầu tiên trong tuần này khi họ thực hiện các biện pháp ứng phó nhu cầu cao điểm khi mùa hè bắt đầu vào tháng 7. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn eo hẹp và giá điện khá cao.
"Do nhiệt độ cao kỷ lục, chúng tôi ghi nhận nhu cầu điện vào tháng 6 cao gần bằng mức cao điểm mùa hè, trong khi chúng tôi chưa chuẩn bị kịp nguồn cung”, một quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Industry (METI) cho hay, lý giải nguyên nhân thiếu điện.
Một số công ty đã rút ngắn giờ làm việc, yêu cầu nhân viên tắt các thiết bị điện không cần thiết. Một số ga tàu hỏa cũng tạm dừng thang cuốn, trong khi công viên giải trí ở Yokohama tắt đèn trên vòng đu quay và cáp treo vào buổi tối, Reuters đưa tin.
Nhiều văn phòng tắt đèn, trong khi đài truyền hình công cộng NHK cũng giảm bớt ánh sáng phòng thu vào buổi chiều.
Văn phòng chính phủ ở Tokyo tắt bớt đèn vào ban ngày nhằm hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm điện hôm 30/6. Ảnh: Reuters. |
Nắng nóng đến đúng lúc mùa mưa kết thúc sớm ở một số vùng của Nhật Bản, khiến các đập cạn kiệt nước và nhiều khu vực kêu gọi tiết kiệm nước.
Người dân Nhật Bản lo sợ "cơn ác mộng" năm 2018 lặp lại, khi nước này phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Hàng chục người, chủ yếu là người cao tuổi, đã thiệt mạng vì say nắng, trong khi hơn 22.000 người phải nhập viện.
Chính phủ đang mở thêm các trung tâm "hạ nhiệt" để người cao tuổi có thể tránh nóng.
Tại quận Sumide phía bắc Tokyo, ông Kiyoji Saito (86 tuổi) đang chơi Shogi (cờ Nhật Bản) với một nhóm người trạc tuổi. Giống như nhiều người Nhật cao tuổi, ông không thích sử dụng điều hòa nhiệt độ.
“Tôi phải trả 3.000-4.000 yen (21-30 USD) một tháng tiền điện trong năm nay", ông nói. "Thật tuyệt khi chính quyền mở nơi này, để tôi có thể đến trong ngày, giao lưu và nghỉ ngơi thoải mái".
Ở bàn bên kia, Yukimasa Nakano (81 tuổi) nói rằng ông phải phân bổ thời gian sử dụng máy lạnh, chỉ dùng một giờ vào buổi sáng và 3 giờ vào buổi tối. "Trong suốt 8 thập niên qua, tôi chưa bao giờ thấy nóng như thế này vào tháng 6", ông nói.
Ông Kiyoji Saito, một thành viên khác trong nhóm cờ, nói: “Tôi sống một mình nên sử dụng điều hòa lãng phí lắm. Nhưng nếu không dùng, với cái nóng này, có khi tôi chết mất".