Cách đây một thập kỷ, Nhật Bản chỉ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài mỗi năm. Nhưng đến năm 2017, con số này đã lên đến gần 30 triệu. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản còn đặt mục tiêu cao hơn là 40 triệu du khách vào năm 2020 và 60 triệu năm 2030.
Du lịch phát triển đem lại lợi ích lớn cho các chủ sở hữu bất động sản bán lẻ và giải trí. Lĩnh vực khách sạn cũng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, đơn cử là Quỹ khách sạn Nhật Bản trị giá 400 triệu USD ra mắt năm 2017.
Shinjuku đông đúc vào buổi tối. Ảnh: Time Out. |
Tuy nhiên, khi lượng du khách đến Nhật Bản tăng mạnh, sự khan hiếm cuộc sống về đêm ở nơi đây càng trở nên rõ rệt hơn. Tomoe Makino - Cố vấn quốc gia Nhật Bản - nhận định nước này có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhưng tất cả đều đóng cửa quá sớm.
Các bảo tàng và đền thờ thường đóng cửa lúc 17h, còn các buổi hòa nhạc và show diễn thì kết thúc lúc 20h30.
Một thị trường tiềm năng trị giá 3,7 tỷ USD
Mong muốn phát triển nền kinh tế ban đêm được Tsukasa Akimoto vạch ra. Ông là một nghị sĩ Quốc hội, thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Akimoto tích cực tham gia vào các nỗ lực thúc đẩy du lịch của chính phủ với tư cách Phó chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Thành lập Quốc gia định hướng du lịch.
“Từ lâu, người ta đã cho rằng Nhật Bản khó tổ chức các sự kiện về đêm, nhưng giờ đây chúng ta có thể tạo ra một thị trường lành mạnh để phát triển”, ông khẳng định.
Chính phủ Nhật Bản đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm từ cuối năm 2017, chủ yếu giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông và các quy định liên quan đến địa điểm và điều kiện làm việc. Akimoto cho biết khối công và tư nhân được kỳ vọng sẽ cùng tham gia xây dựng nền kinh tế ban đêm này.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu về kinh tế ban đêm từ cuối năm 2017 với ước tính tiềm năng thị trường lên đến 400 tỷ yen (3,7 tỷ USD) năm 2020. Ảnh: Andre Benz/Unsplash. |
Những doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí và khách sạn Nhật Bản đang nỗ lực phát triển thị trường ngách nhắm tới các sự kiện giải trí từ khoảng 20h đến 3h sáng hôm sau. Hiện tại, các nhà hàng, club, karaoke, quán bar trên toàn quốc đều mở cửa vào buổi tối, nhưng khách du lịch nước ngoài không dành nhiều thời gian và tiền bạc ở những nơi này.
Rõ ràng, vẫn còn nhiều tiềm năng cho kinh tế ban đêm phát triển tại Nhật Bản, các doanh nghiệp cũng dần chú ý hơn đến điều này. Các khu nghỉ dưỡng sòng bài chính là điểm quan trọng trong thúc đẩy kinh tế ban đêm, theo Akimoto. Những tụ điểm dance club cũng được cho phép mở cửa đến 5h sáng.
Mặc dù chưa có con số rõ ràng nhưng Takaaki Umezawa - Chủ tịch Công ty tư vấn A.T. Kearney Nhật Bản - ước tính quy mô thị trường có thể lên đến 400 tỷ yen (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2020 nếu mỗi du khách đến Nhật Bản có thể chi tiêu thêm 10.000 yen (khoảng 92 USD) mỗi đêm.
Những nỗ lực chống lại thách thức
Năm 2017, Nhật Bản sửa đổi Luật giải trí dành cho người lớn, giúp các doanh nghiệp dễ gia nhập thị trường hoạt động đêm muộn, theo ông Takahiro Saito, một luật sư chuyên nghiên cứu về kinh tế ban đêm.
Tuy nhiên, thách thức chính của kế hoạch phát triển nền kinh tế này là chủ nghĩa bảo thủ văn hóa của người Nhật và sự thiếu hụt lao động làm đêm, Akimoto nhận định.
“An toàn và an ninh là một phần quan trọng trong sức hút của Nhật Bản và chúng tôi phải cẩn thận để không phá vỡ điều này”, ông nói. “Tiếng ồn đêm khuya có thể là một vấn đề trong các khu dân cư”.
Thế nhưng, theo đánh giá của Nikkei Asian Review, việc bãi bỏ giờ giới nghiêm có thể tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp du lịch mà không cần đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng.
Sử dụng các phương tiện giải trí hiện có của Nhật Bản như rạp chiếu phim trong khoảng thời gian dài hơn sẽ đa dạng hóa nhu cầu vui chơi ban đêm của du khách.
Rạp chiếu phim Wald 9 ở Shinjuku (Nhật Bản) vẫn chiếu vào nửa đêm, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Go Nagai World. |
Đồng thời, chương trình Broadway kéo dài đến 22h cũng được tận dụng tốt. Để thu hút nhiều khách du lịch, Broadway nỗ lực đảm bảo an ninh và giao thông thuận tiện cho khu phố với tàu điện ngầm chạy suốt 24h. Theo ước tính, Broadway sẽ mang về 1 nghìn tỷ yen (tương đương 9,25 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Nhật Bản.
Năm 2016, Anh bắt đầu cung cấp dịch vụ tàu điện ngầm 24/24 vào cuối tuần như một phần trong kế hoạch mở rộng 10% quy mô nền kinh tế ban đêm trong vòng 10 năm. Còn các thành phố như Berlin hay Amsterdam cũng có văn hóa club rất riêng.
Hoạt động kinh tế thông qua văn hóa, nghệ thuật ở Nhật Bản đã tạo ra 5 nghìn tỷ yen (tương đương 46,25 tỷ USD) sản lượng kinh tế trong năm tài khóa 2011. Con số này chỉ chiếm 1,2% tổng sản phẩm quốc nội quốc gia, theo Cơ quan Văn hóa nước này.
Do đó trong tương lai, chính phủ Nhật Bản kỳ vọng con số này đạt 3% như ở Pháp và Canada, tương đương 18 nghìn tỷ yen (hơn 166 tỷ USD) sản lượng kinh tế.
Kinh tế ban đêm đang nổi lên như yếu tố quan trọng thứ 4 trong chương trình nghị sự của chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy du lịch, xếp sau tự nhiên, thực phẩm và lịch sử.