Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản hỗ trợ tàu tuần tra thiết kế riêng cho Việt Nam

Trao đổi với Zing.vn, người phát ngôn của Nhật hoàng cho biết 6 tàu tuần tra Nhật tài trợ cho là hàng thiết kế riêng cho VN, phù hợp với nhu cầu của VN và đảm bảo tiêu chuẩn Nhật.

Ông Hatsuhisa Takashima, thư ký báo chí của nhà vua Nhật Bản cho hay trước đây, Nhật cũng cũng từng có các hỗ trợ tàu tuần tra nhưng là các tàu đã qua sử dụng tại Nhật. Lần này, các tàu này là đóng mới, được thiết kế riêng cho Việt Nam, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm bờ biển Việt Nam.

6 tàu tuần tra này là một phần thỏa thuận được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Việt Nam vào tháng trước. Theo Đại sứ Takashima, 2 tàu đang đóng tại Nhật Bản và sẽ sớm được bàn giao cho Việt Nam, còn 4 tàu khác sẽ được giao đợt sau.

Tàu đáp ứng nhu cầu hải quân Việt Nam

“Các tàu này đều được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu của hải quân Việt Nam”, ông Takashima cho biết. “Các cơ quan của Nhật Bản tham vấn chặt chẽ với đối tác Việt Nam nhằm đưa ra các quyết định hợp lý nhất về nhu cầu hỗ trợ, hợp tác của 2 bên”.

Ông cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ này dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật. Động thái này nhằm thúc đẩy an ninh và hòa bình của thế giới nói chung và khu vực nói riêng.

“Sự phát triển của Việt Nam đồng nghĩa với sự phát triển và thịnh vượng của Đông Nam Á cũng như châu Á. Chúng tôi luôn mong chờ được nhìn thấy kết quả hợp tác tươi sáng hơn nữa trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”, ông nói.

Nhat hoang tham Viet Nam anh 1
Ông Hatsuhisa Takashima, thư ký báo chí của Nhật hoàng. Ảnh: Tiến Tuấn.

400 năm quan hệ 

Người phát ngôn của Nhật hoàng cũng nhắc lại quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu cách đây khoảng 400 năm. Khi đó, nhiều hoạt động giao thương giữa hai quốc gia đã diễn ra, đặc biệt ở cảng Hội An của Việt Nam, nơi có nhiều thương nhân người Nhật sinh sống và thậm chí có cả ngôi làng Nhật Bản. Đó là minh chứng cho thấy mối quan hệ song phương tốt đẹp Việt - Nhật.

Năm 2017 được coi là năm biểu tượng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với nhiều sự kiện diễn ra. Khi nhìn lại lịch sử, nhiều sự kiện cũng khiến chúng ta có thể khẳng định sự bền chặt của mối quan hệ này.

“Lịch sử có thăng trầm cùng những mảng sáng, tối khác nhau. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ, thúc đẩy mối quan hệ song phương. Tôi có thể tự tin nói rằng hai quốc gia đang có một tương lai rộng mở. Chúng ta có thể học hỏi từ quá khứ và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”, ông nói.

Theo Thư ký báo chí của Nhật hoàng Takashima, cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia đang ngày càng mở rộng, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe, hàng loạt dự án và kế hoạch đã được đề xuất, đang thai nghén và lên kế hoạch triển khai… Một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được mở ra.

Chuyến thăm lần này của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là bước tiếp theo trong quá trình làm sâu sắc hơn và mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. 

Chuyến thăm đặc biệt của Nhật hoàng và Hoàng hậu 

Nhat hoang tham Viet Nam anh 2
Chuyến thăm được coi là đặc biệt của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Ảnh: Tiến Tuấn. 

- Thông điệp mà Nhật hoàng và Hoàng hậu mang tới Việt Nam trong chuyến thăm lần này?

Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản với mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân của hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai dân tộc, thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, để cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như vì nền hòa bình thế giới.

Nhà vua của Nhật Bản không có quyền lực chính trị cũng như không tham gia điều hành về mặt hành chính đối với nhà nước. Thay vào đó, nhà vua là biểu tượng cao quý của dân tộc Nhật Bản, biểu tượng cho đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, người dân Nhật Bản luôn có sự tôn trọng bằng cả trái tim và tâm huyết của mình.

Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy hơn giữa giá trị nhân văn trên toàn thế giới, giá trị hòa bình.

Thông điệp chính mà Nhà vua và Hoàng hậu Nhật mang tới trong chuyến thăm này cũng là làm thế nào để thế giới có sự thịnh vượng và con người được sống thật hành phúc.

- Nhà vua và hoàng hậu đã đi thăm rất nhiều nước, tại sao thời điểm này mới đến Việt Nam?

- Đây là chuyến thăm hết sức đặc biệt. Chúng ta rất may mắn vì Nhật hoàng ngày càng già đi, sức khỏe giảm sút, do vậy rất khó để thực hiện những chuyến công du nước ngoài thường xuyên. Cả nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản năm nay đều đã ngoài 80.

Tuy nhiên, không có lí do đặc biệt về việc lựa chọn thời điểm. Theo thông lệ quốc tế, khi nhận lời mời đi sẽ có lời mời lại. Hoàng gia Nhật Bản đã hai lần nhận được lời mời của lãnh đạo Việt Nam về việc sang thăm chính thức các bạn. Với lịch quay vòng và những lời mời của nhiều lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới, bây giờ nhà vua và hoàng hậu mới có thể thăm chính thức Việt Nam.

- Trước chuyến thăm này của hoàng gia Nhật Bản, Thái tử và em trai từng thăm Việt Nam, họ đã chia sẻ điều gì với Hoàng gia Nhật Bản cũng như Nhà vua và Hoàng hậu?

Sau chuyến thăm của Thái tử và Hoàng tử, Hoàng gia có nhiều cuộc nói chuyện về Việt Nam. Hoàng tử Akishino là người quan tâm tới giống gà đuôi dài của Nhật Bản. Chính ông là người tặng một tiêu bản gà đuôi dài cho Bảo tàng Sinh học Việt Nam. Đây cũng là nơi Nhà vua Akihito tặng tiêu bản loài cá bống trên sông Cần Thơ mà ông phát hiện.

Hoàng tử Akishino là học giả nghiên cứu có tiếng về giống gà đuôi dài. Hiện nay, Hoàng gia nuôi gà trong khuôn viên Hoàng cung và mối quan tâm về Việt Nam vẫn ngày càng tăng. Tôi hy vọng sau chuyến thăm lần này, Hoàng gia sẽ có nhiều câu chuyện hơn để chia sẻ.

- Ngoài Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu đã chọn Huế là điểm đến thứ hai trong lịch trình chuyến thăm Việt Nam. Tại sao vậy?

Khi chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, tôi đã có những cuộc trao đổi riêng với nhà vua và hoàng hậu. Nhà vua và hoàng hậu đặc biệt quan tâm tới việc sẽ có cơ hội đến thăm Huế, một cố đô của Việt Nam trong chuyến đi lần này.

Các du khách nước ngoài khi đến Nhật Bản, thường tới hai địa danh Tokyo và Kyoto. Tokyo là thủ đô ngày nay, còn Kyoto là cố đô. Việc Nhà vua và Hoàng hậu đến thăm thủ đô Hà Nội và cố đô Huế cũng là lẽ thường. Họ muốn tìm hiểu thêm những giá trị lịch sử, văn hóa Việt vẫn còn được bảo tồn tốt tại Huế.

Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đã nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử của cố đô Huế nói riêng.

Chuyến thăm lần này eo hẹp về mặt thời gian, bên cạnh đó là việc nhà vua, hoàng hậu đều đã già, có những vấn đề về sức khỏe nhất định, do đó chúng tôi phải chọn lựa rất kỹ những địa danh và khu vực Việt Nam mà nhà vua và hoàng hậu có thể đến thăm. Và Hà Nội, Huế cuối cùng đã được chọn làm điểm đến trong lịch trình.

24 giờ đầu tiên ở Hà Nội của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản

Sau chuyến bay cất cánh từ sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko trải qua 24 giờ đầu tiên tại Hà Nội với hàng loạt sự kiện trong ngày 28/2 và 1/3.


Ngụy An - Thế Long

Bạn có thể quan tâm