Đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong vụ núi lửa Ontake phun trào vào cuối tháng 9/2014. Ảnh: Kyodo |
"Không hề nói quá khi cảnh báo một vụ núi lửa phun khổng lồ sẽ đẩy nước Nhật vào cảnh diệt vong", Yoshiyuki Tatsumi, giáo sư ngành khoa học trái đất tại Đại học Kobe, và cộng sự Keiko Suzuki khẳng định khi công bố nghiên cứu hôm 23/10.
Theo AFP, hai chuyên gia đã phân tích quy mô và tần suất những vụ núi lửa hoạt động tại quần đảo Nhật Bản từ 120.000 năm qua. Theo tính toán của họ, xác suất để một vụ núi lửa phun trào, tàn phá một vùng rộng lớn trong vòng 100 năm tới vào khoảng 1%.
Các nhà khoa học cũng từng dự đoán một trận động đất lớn ở thành phố Kobe trong 30 năm tới có thể xảy ra với xác suất 1%. Ngay sau đó một ngày, cơn địa chất 7,2 độ Richter đã tàn phá thành phố cảng vào năm 1995, cướp sinh mạng của 6.400 người và làm 4.400 người khác bị thương.
"Do vậy, chúng ta không nên kinh ngạc nếu trận động đất xảy ra trong thời gian tới đây", Tatsumi bình luận.
Nhóm các giáo sư tại Đại học Kobe nhấn mạnh tính quan trọng trong dự báo của họ, vì 7% những vụ núi lửa phun trong 10.000 năm qua đã xảy ra tại Nhật Bản.
Dựa trên kết quả nghiên cứu địa chất từ một miệng núi lửa khổng lồ phun trào cách đây 28.000 năm trên đảo Kyushu, họ dự đoán nếu thảm họa xảy ra trên đảo, cả khu vực với dân số 7 triệu sẽ chìm trong nham thạch chỉ trong 2 tiếng. Trong 120.000 năm qua, núi lửa từng phun trào dữ dội 7 lần trên đảo Kyushu. Sau đó, tro bụi núi lửa bay về hướng tây và phủ lên đảo Honshu, khiến nỗ lực cứu 120 triệu dân sinh sống trên đảo trở nên "vô vọng", theo nghiên cứu.
Gần đây, núi lửa Ontake bất ngờ hoạt động khiến 57 người thiệt mạng và ít nhất 6 người mất tích. Đây là thảm họa núi lửa gây thương vong lớn nhất trong 90 năm qua tại Nhật Bản.