Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhập nội' hàng 'Made in Việt Nam' nhái

Lợi dụng cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt, các đối tượng đã đặt làm hàng giả ở nước ngoài với giá rẻ mang “made in Việt Nam”.

'Nhập nội' hàng 'Made in Việt Nam' nhái

Lợi dụng cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt, các đối tượng đã đặt làm hàng giả ở nước ngoài với giá rẻ mang “made in Việt Nam”.

Sau đó, các đối tượng đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ. Tình trạng này đã khiến hàng Việt thật sự khó khăn trong cạnh tranh để giành giật thị phần…

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, chỉ riêng quý 3 năm 2012, lực lượng này kiểm tra, phát hiện đến 1.146 vụ vi phạm (tăng 5 vụ so cùng kỳ năm trước). Trong đó, vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu (gồm hàng tiêu dùng, hàng thời trang, nguyên vật liệu để sản xuất hàng tiêu dùng) và hàng giả, kém chất lượng (chủ yếu quần áo, đồng hồ, kính mắt, túi xách, điện, điện tử…).

Phần lớn, hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng đa số là hàng Trung Quốc. Chi cục QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT 3 vụ vi phạm có giá trị hàng hóa lớn lên đến hơn 18 tỉ đồng.

Tiêu hủy hàng nhái nhãn hiệu Louis Vuitton.

Đồng hành cùng QLTT, thời gian qua Công an TP.HCM cũng đã liên tục triệt phá nhiều vụ sản xuất hàng giả có quy mô lớn.

Điển hình, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV (PC46) đã triệt phá vụ sản xuất giả bia Heineken tại huyện Bình Chánh, khởi tố 4 đối tượng; bắt quả tang một vụ làm giả sữa bột nhãn hiệu Abbott tại căn hộ ở chung cư Cây Mai (quận 11) thu giữ tại hiện trường 6 thùng sữa giả thành phẩm chưa kịp mang đi tiêu thụ và 14 thùng đựng vỏ, lon, nắp, tem Abbott.

Mới đây nhất, ngày 4/10, Công an quận 10 đã bắt quả tang Trương Quốc Dương (24 tuổi, Bến Tre) đang mang rượu giả đi giao cho các cửa hàng. Từ lời khai của Dương, lực lượng kiểm tra đã tiến hành khám xét nhà của Nguyễn Anh Thi (55 tuổi) trong hẻm 456 đường Cao Thắng, quận 10, thu giữ gần 40 chai rượu giả, 200 vỏ chai, và nhiều nguyên phụ liệu để sản xuất rượu giả.

Trong khi các lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại liên tục kiểm tra và phát hiện rất nhiều vụ vi phạm và thu giữ, tiêu hủy khối lượng lớn hàng hóa. Nhưng điều lạ là trên thực tế là tình trạng này vẫn không hề giảm mà còn có xu hướng tăng. Bức xúc về vấn đề này, các trinh sát trực tiếp tham gia “phá” các đường dây sản xuất - buôn bán hàng giả khẳng định: Nguyên nhân là do mức xử phạt chưa cao và chưa nghiêm.

Một vụ sản xuất rượu giả bị cơ quan điều tra thu giữ.

Thực tế, các vụ sản xuất, buôn bán rượu giả khi bị phát hiện cơ quan điều tra đều khởi tố nhưng đến khi vụ án đưa ra xét xử thì có rất nhiều vụ mức xử phạt sơ thẩm nặng nhưng đến phúc thẩm thì nhẹ hều(?) Do lợi nhuận thu được từ loại hàng giả này quá lớn, vì vậy có nhiều đối tượng sau khi thi hành án xong lại tiếp tục tái phạm….

Đại diện Đội QLTT 3A cũng cho rằng: Quy định về mức xử phạt vi phạm nhãn hàng hóa tối đa chỉ có 20 triệu đồng (với trị giá hàng hóa trên 100 triệu đồng), như vậy là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì thế, từ trước giờ QLTT kiểm tra, phát hiện vi phạm tại các cửa hàng, thì mức phạt không đáng là bao. Chỉ có kiểm tra các kho chứa hàng lớn thì mới có mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng.

Giữa lúc hàng giả, hàng lậu bao vây thị trường thì để giữ thị phần, các doanh nghiệp Việt đã cố gắng tìm tòi để tìm hướng đi cho riêng mình. Bằng nhiều nỗ lực, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt sau khi “bén rễ” tại thị trường nông thôn thông qua các “phiên chợ” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thì ngay sau đó, cũng đã “bắt tay” với tiểu thương tại các chợ truyền thống. Sau 5 tháng miệt mài thực hiện chương trình đưa hàng Việt vào chợ (triển khai từ đầu tháng 5), đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được 16 chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều thương hiệu như: café Trung Nguyên, nước giải khát Bidrico, nhựa Duy Tân, hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo…

Còn với hệ thống phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi Co.opmart cho biết: Hiện, Co.op có khoảng 90% là hàng Việt. Để giữ khách hàng, ngoài thực hiện các chương trình khuyến mãi tại các điểm bán, Co.op còn tổ chức nhiều chuyến hàng Việt đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, KCN, KCX.

Còn tại siêu thị Big C, ông Laurent Zécri, Tổng Giám đốc mới của Big C cũng cho biết: “Trong bối cảnh hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhất là hàng nông sản. Để cạnh tranh những mặt hàng này, Big C hiện đang triển khai chương trình hỗ trợ những nhà sản xuất đẩy mạnh lưu thông hàng Việt. Bên cạnh đó, Big C cũng tập trung phát triển nhãn hàng riêng do nhà sản xuất Việt Nam có uy tín trên thị trường cung cấp”.

Theo Công An Nhân Dân

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm