Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập nhằng lô xe trên 10 tỷ chỉ bán hơn 2 tỷ đồng

Sáu chiếc ôtô sang đã qua sử dụng nếu bán theo giá thị trường sẽ thu được khoảng hơn 10 tỷ đồng. Thế nhưng, Cục Hải quan TP Hải Phòng đấu giá chỉ với 2,05 tỷ đồng.

Khi xe qua tay 2 người đi đăng ký mới lộ ra câu chuyện suýt thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước.

Giá rẻ như cho

Đó là trường hợp 6 khách hàng (4 người ở Hải Phòng, 2 người ở Thanh Hóa) mua lại 6 chiếc xe từ một cá nhân trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng). Tài sản cưỡng chế kê biên của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực III (thuộc Cục Hải quan TP. Hải Phòng) trước đó.

Cụ thể, 6 ôtô (3 xe Lexus RX 330, 1 Toyota Sienna, 2 Toyota Rav4, 1 Toyota Hilander) năm sản xuất từ 2005 đến 2007, được Cty TNHH Nguyên Linh (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Hải Phòng từ năm 2008. Do doanh nghiệp này nợ đọng thuế và tiền chậm nộp hơn 10,5 tỷ đồng, tháng 6/2018, ông Trần Mạnh Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 (hiện là Chi cục trưởng) đã ký quyết định cưỡng chế kê biên để bán đấu giá tài sản, thu một phần thuế.

Nhap nhang lo xe tren 10 ty chi ban hon 2 ty dong anh 1
ôtô nhập khẩu tập kết ở cảng Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 đã hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá Hải Phòng tổ chức bán 6 ôtô với giá khởi điểm 2,03 tỷ đồng.

Tại cuộc đấu giá ngày 10/8/2018 có 2 khách hàng tham gia, cuối cùng cá nhân nói trên (trú quận Lê Chân) đấu giá mức giá 2,05 tỷ đồng. “Giá bán trên đã bao gồm các loại thuế, phí theo quy định” - hợp đồng mua bán nêu rõ.

Vị này được Cục hải quan TP Hải Phòng cung cấp hoá đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước cho lô 6 ôtô. Sau đó, người trúng đấu giá bán lại số xe trên cho 4 cá nhân ở Hải Phòng, 2 ở Thanh Hóa.

Đầu năm 2019, Cục Hải quan TP Hải Phòng có đơn gửi Cục Thuế TP Hải Phòng đề nghị cấp hóa đơn lẻ và hồ sơ kèm theo (đối với việc bán đấu giá tài sản cưỡng chế kê biên 6 chiếc xe trên để gửi cho người mua bàn giao khách hàng làm thủ tục đăng ký giấy tờ xe). Tuy nhiên, Cục Thuế TP Hải Phòng đã ra văn bản đề nghị dừng đăng ký vì chưa đủ căn cứ cấp hóa đơn.

Theo Cục Thuế TP Hải Phòng, Hải quan thực hiện bán tài sản kê biên cưỡng chế thu hồi nợ của doanh nghiệp chứ không phải bán tài sản có được từ tịch thu tang vật vi phạm. Theo quy định của pháp luật về thuế, 6 ôtô này không thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu nên khi bán số ôtô trên, phải kê khai, nộp các khoản thuế giá trị gia tăng (VAT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại khâu bán ra.

Căn cứ vào hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ bán đấu giá, hồ sơ kê khai nếu hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế mới cấp hoá đơn bán lẻ chôtô chức bán để giao cho người mua.

Cục thuế TP Hải Phòng cho rằng, 6 ôtô này chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế tại khâu nhập khẩu nên chưa đủ căn cứ để cơ quan thuế cấp hóa đơn bán lẻ chôtô chức và quản lý thu thuế đối với hàng hoá bán ra theo quy định.

Trên cơ sở công văn của Cục Thuế TP Hải Phòng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa đang tạm dừng làm thủ tục đăng ký cho 6 chiếc ôtô.

Quá vô lý

Theo ông Nguyễn Tuấn, người có thâm niên hàng chục năm buôn ôtô đã qua sử dụng ở Hà Nội, tuy 6 xe trên đã qua sử dụng nhưng sản xuất năm 2005-2007, nhập khẩu về Việt Nam năm 2008 nên xe hầu như mới. Chưa kể, trước đây nhiều doanh nghiệp còn lách bằng cách tua ki-lô-mét trên đồng hồ xe (nhập về) nhằm hưởng ưu đãi thuế.

Tính sơ qua, thời điểm bán đấu giá vào tháng 6/2018 (tức 10 năm sau khi nhập về), mỗi xe Lexus RX330 định giá từ 800 triệu 1 tỷ đồng; riêng 3 chiếc SIENNA, RAV4 BASE và HIGHLANDER (sản xuất năm 2007, nhập về năm 2008 hầu như mới 99%) rẻ nhất cũng trên 1 tỷ đồng. Do đó, nếu hải quan bán đấu giá phải định giá xe cộng cả các khoản thuế VAT + TTĐB + TNDN, sơ bộ mỗi xe phải thêm 1 tỷ đồng tiền thuế, giá lô xe khi đó lên đến trên dưới 10 tỷ đồng.

Với việc bán đấu giá chỉ 2,05 tỷ đồng, nhưng ghi “Giá bán trên đã bao gồm các loại thuế, phí theo quy định” trong hồ sơ mua bán, ông Tuấn cho rằng: “Quá vô lý. Có thể đằng sau đó là dấu hiệu trục lợi, đút túi một số cá nhân nào đó?”.

Trong văn bản đề ngày 7/1/2019 gửi Cục thuế Hải Phòng, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng: Hải quan là đơn vị sự nghiệp, việc kê biên hàng hoá của doanh nghiệp nợ thuế bán đấu giá bù đắp khoản thuế vào ngân sách. Hải quan không cần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế phát sinh như Cục Thuế Hải Phòng xác định. Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị Cục thuế Hải Phòng “xem xét, tạo điều kiện”.

Ông Nguyễn Sỹ Tráng, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng, cho biết theo quy định của pháp luật, tài sản kê biên thuộc sở hữu nhà nước, đơn vị không đóng các khoản thuế như phía Cục Thuế TP Hải Phòng yêu cầu.

“Phía Cục Thuế TP Hải Phòng hiểu vấn đề phát hóa đơn chưa đúng. Chúng tôi đang tiếp tục trao đổi để xử lý sớm cho khách hàng đầy đủ thủ tục làm đăng ký xe”, ông Tráng cho biết thêm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty luật BASICO cho biết: “Theo quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản, việc bán đấu giá nhằm để lấy tiền khấu trừ thuế, tức tài sản vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp chứ không phải của nhà nước nên không được miễn thuế, phải đóng các khoản thuế trên như yêu cầu của Cục Thuế TP Hải Phòng”.

Cục thuế TP Hải Phòng cho rằng, 6 ôtô này chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế tại khâu nhập khẩu nên chưa đủ căn cứ để cơ quan thuế cấp hoá đơn bán lẻ chôtô chức và quản lý thu thuế đối với hàng hoá bán ra theo quy định.

https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhap-nhang-lo-xe-tren-10-ty-chi-ban-hon-2-ty-dong-1390326.tpo

Tuấn Nguyễn/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm