Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập khẩu từ nhân công đến ốc vít

Hàng loạt dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, chưa rõ chất lượng đến đâu thế nhưng tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%.

Bởi vì “họ đem cả bulông, ốc vít vào”- nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã kêu lên như vậy trước Thủ tướng và coi đây là một trong những lý do ngành cơ khí Việt Nam khó phát triển...

Tại hội nghị tổng kết mười năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4, Bộ Công thương cho biết đến năm 2012 Việt Nam mới đáp ứng được 32,5% nhu cầu về cơ khí trong nước. Hệ quả, nếu như năm 2006 Việt Nam mới phải nhập khẩu 8,7 tỷ USD cơ khí thì năm 2013 nhập khẩu thiết bị cơ khí đã lên khoảng 24,8 tỷ USD.

Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) hiện đang thi công cũng do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu.
Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) đang thi công cũng do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu.

Trung Quốc trúng thầu nhiều quá...

Máy nông nghiệp cũng gặp khó vì hàng Trung Quốc

Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cũng nêu một khó khăn cho ngành cơ khí đến từ Trung Quốc. Theo ông Hà, các loại máy nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm 15-20% thị phần, trong khi máy Trung Quốc chiếm tới 60%. Loại máy diesel Trung Quốc giá rẻ, chất lượng trung bình do các nhà máy đã hết khấu hao nên theo ông Hà, nếu doanh nghiệp Việt Nam giờ muốn đầu tư theo đúng chiến lược phát triển ngành cơ khí sẽ rất khó và sẽ không thành công.

Phát biểu ngay sau báo cáo đề dẫn của Bộ Công thương, TS.Nguyễn Chỉ Sáng, viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, đã đưa ra bảng thống kê về thực trạng các nhà thầu ngoại trúng thầu tại Việt Nam. Cụ thể từ năm 2003-2013, Việt Nam có 20 dự án nhiệt điện thì 17 dự án đã rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong đó 15 dự án là tổng thầu Trung Quốc như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh,... Hệ quả là tỉ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, ông Sáng cho rằng “tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%”. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện mà nhiều nhà thầu Việt Nam được làm tổng thầu thì tỉ lệ nội địa hóa đã lên đến 30%. Nhờ có đơn hàng, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tự thiết kế, chế tạo thiết bị thủy công cho cả các thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu với tỉ lệ nội địa hóa đến 90%. Vì vậy, theo ông Sáng, “rõ ràng là do cơ chế, cách chúng ta chuẩn bị, chứ không phải năng lực”.

Với ngành công nghiệp nhiều “tai tiếng” về ô nhiễm như ximăng, ông Sáng công bố trong mười năm qua, Việt Nam có 24 nhà máy thì 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (đảm nhiệm từ tư vấn, mua sắm thiết bị và xây lắp). “Với các dự án nhà máy ximăng mà doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa cũng cơ bản bằng 0%”, ông Sáng khẳng định.

Dự án bôxit cũng tương tự, Việt Nam đang làm hai nhà máy ở Tây nguyên thì cả hai nhà máy đều do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu. Và tỉ lệ nội địa hóa ở hai nhà máy này có khá hơn, nhưng cũng chỉ ở mức... 2%. “Trong khi đó, theo Công ty Hatch (của Úc) chuyên về nhôm thì Việt Nam có đủ năng lực để thiết kế, chế tạo trong nước tới 50% thiết bị trong ngành này”, ông Sáng dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, cũng dẫn chứng thời ông làm nhiệt điện Phả Lại mở rộng (bắt đầu từ năm 1998), đối tác Nhật là thầu chính đã giao cho doanh nghiệp Việt Nam làm hầu hết kết cấu thép cho nhà máy này. Tuy nhiên “khi Trung Quốc sang thì khác, đến cái bulông họ cũng đem vào”.

Thiếu nhất quán

Theo ông Lê Dương Quang, thứ trưởng Bộ Công thương, Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị về việc sử dụng hàng hóa trong nước với những gói thầu dùng ngân sách. Ngay cả khi doanh nghiệp nước ngoài trúng tổng thầu EPC, tinh thần chỉ thị vẫn có thể chia dự án thành các gói thầu riêng như tư vấn, mua sắm, xây lắp... để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Tuy nhiên, ông Quang thừa nhận việc thực thi các quy định còn hạn chế, thiếu nhất quán, các chủ đầu tư nhiều nơi chưa tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước.

Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi, nêu các chỉ thị của Thủ tướng đã đủ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, “có lẽ Thủ tướng hiền quá nên thực hiện chưa nghiêm”. Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông An khẳng định chỉ thị 494/2010 của Thủ tướng căn cứ Luật đấu thầu, đã cấm các dự án dùng vốn Nhà nước đấu thầu quốc tế nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được (trừ khi theo yêu cầu nhà tài trợ vốn ODA). Dẫn chứng doanh nghiệp mình đã làm thủy điện 3MW Tam Kỳ, Đà Nẵng, từ nhiều năm trước tuôcbin giờ vẫn chạy tốt, ông An cho rằng việc hầu hết thủy điện nhỏ hiện nay dùng công nghệ Trung Quốc đã làm hại đến khả năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Kiến nghị với Thủ tướng, ông An đề nghị cần chế tài các chủ đầu tư, bộ ngành không thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.

Kim ngạch nhập khẩu cơ khí của VN qua các năm. Nguồn: Bộ Công thương.
Kim ngạch nhập khẩu cơ khí của VN qua các năm. Nguồn: Bộ Công thương.

Phải sửa ngay

Đánh giá những vấn đề của ngành cơ khí rất quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý kéo dài cuộc họp tới tận 13h (từ đầu giờ sáng). Trả lời cụ thể những vấn đề doanh nghiệp nêu về chủ đầu tư không thực hiện nghiêm chỉ thị về sử dụng hàng hóa trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh cái nào thực hiện không nghiêm, hay văn bản không sát phải tập trung khắc phục ngay để đưa cơ khí phát triển nhanh, vững chắc hơn. “Không làm cái này công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công”, Thủ tướng nói và yêu cầu bộ trưởng công thương sau cuộc họp phải dự thảo ngay chỉ thị của Thủ tướng để giao việc cho các bộ, ngành xử lý các việc cuộc họp nêu.

Bộ Công thương cũng được yêu cầu rà soát, làm quy hoạch và chiến lược mới. Thủ tướng nêu hằng ngày Việt Nam có khoảng 1 triệu người đánh bắt trên biển, nay có tàu sắt, dân mừng, cần tiến tới thay thế hết tàu gỗ bằng tàu sắt.

Với vấn đề doanh nghiệp giàn khoan nêu làm cơ khí trọng điểm nhưng vẫn phải nộp thuế VAT dù theo quy định được miễn, đến nay giàn khoan đã hoạt động ba năm vẫn chưa được hoàn thuế, Thủ tướng yêu cầu: phải sửa. Với các kiến nghị về thuế, Thủ tướng tiết lộ và hỏi: “Như Samsung, ta phải cho thuế thu nhập doanh nghiệp 10% họ mới đầu tư, tại sao cơ khí không có cái này?”.

Việc bảo vệ sản xuất trong nước, Thủ tướng nêu Hoa Kỳ giàu như thế nhưng họ vừa áp các biện pháp bảo vệ cá da trơn. Ông chỉ đạo các bộ ngành phải rà soát chính sách đấu thầu, chỉ định thầu, quy định tỉ lệ nội địa hóa trong đấu thầu... để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không đóng cửa cạnh tranh và phù hợp điều kiện hội nhập. Các chính sách tín dụng, cho vay ưu đãi, Thủ tướng nhấn mạnh cần đi vào sản phẩm trọng điểm, không tràn lan.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/602432/nhap-khau-tu-nhan-cong-den-oc-vit.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm