Tái tổ chức lực lượng hải cảnh là một phần trong những thay đổi lớn về bộ máy cơ quan nhà nước, được công bố hôm 21/3 tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Trước đó, Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), lực lượng bán quân sự với nhiệm vụ bảo vệ dân sự và phòng cháy chữa cháy, đã được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, cơ quan hàng đầu về quốc phòng tại Trung Quốc.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Theo kế hoạch, nhân sự và chức năng của lực lượng hải cảnh sẽ tạm thời được giữ nguyên khi gia nhập PAP, nhưng sau đó sẽ được tái sắp xếp. Kế hoạch nói việc điều chuyển là cần thiết "để triển khai sự lãnh đạo toàn diện của đảng với Quân Giải phóng Nhân dân và các lực lượng vũ trang khác".
Trách nhiệm thực thi pháp luật trên biển đã được chuyển cho PAP khi lực lượng này bắt đầu chịu sự quản lý hoàn toàn của Quân ủy Trung ương hồi tháng 1. Trước đây, PAP được Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện (tức chính phủ Trung Quốc) quản lý song song.
Với sự thay đổi nói trên, hải cảnh Trung Quốc giờ đây sẽ hoạt động với tư cách quân sự hơn là dân sự, theo nhà quan sát quân sự Ni Lexiong. Ông nói rằng việc này có thể loại bỏ một số quy trình ngoại giao mất thời gian mà Trung Quốc gặp phải trong việc giải quyết tranh chấp.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được thành lập vào năm 2013 với sự phối hợp của 4 cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về quản lý biển, an ninh biển, hải quan và nghề cá.