Chia sẻ với Zing.vn, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá việc cô gái bị sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy chung cư Golden Palm có tính chất nghiêm trọng, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội. Sự việc xảy ra trong một không gian chật, 2 người hoàn toàn không quen biết nhau và cô gái có rất ít khả năng chống cự.
Trong khi đó, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngày 18/3 có quyết định xử phạt hành chính ông Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng) về hành vi trên. Nữ sinh Yến (đã đổi tên, nạn nhân bị ông Hùng quấy rối) nói bản thân cô rất buồn và thất vọng trước quyết định đó.
"Phạt như vậy hoàn toàn chưa đủ sức răn đe. Tôi mong pháp luật sẽ có hình phạt thích đáng hơn", cô gái nói.
Phải quy vào tội cưỡng bức
"Hành vi này phải quy vào tội cưỡng bức và xâm hại người khác. Xử lý vi phạm với mức phạt hành chính 200.000 đồng là không thỏa đáng, khó răn đe với người khác", cựu đại biểu Lê Như Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Ý. |
Theo ông Tiến, nếu luật quy định mức phạt hành chính như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiến nghị sửa đổi để nâng mức phạt phù hợp với từng trường hợp. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc xử phạt các hành vi tương tự nhất định phải có tính răn đe cao để làm gương cho người khác.
Với những sự vụ mang tính nhạy cảm và làm tổn hại đến tinh thần con người thì bồi thường tiền bạc chỉ là thủ tục mang tính hành chính.
"Luật pháp cần quy định chặt chẽ hơn trong việc yêu cầu kẻ xâm hại bắt buộc phải công khai xin lỗi, gửi thông báo về nơi công tác, nơi cư trú", ông Tiến đề xuất.
Trong khi đó, nói về việc kẻ sàm sỡ cô gái trong thang máy bị phạt hành chính 200.000 đồng, tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng đó là một hình phạt nhạo báng phẩm hạnh, danh dự của phụ nữ.
"Những vụ quấy rối tình dục phụ nữ xẩy ra như cơm bữa nhưng luật pháp Việt Nam vẫn nhất định làm ngơ", bà Hồng nhấn mạnh.
Không dám tố cáo do khó xử lý
Dưới góc nhìn luật học, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định hành vi quấy rối tình dục được đề cập đến nhiều bộ luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thế nhưng Bộ luật Hình sự lại không có tội danh này.
Hiện, xâm hại tình dục chỉ được quy định theo các tội như Hiếp dâm, Dâm ô, Làm nhục người khác...
Quấy rối tình dục thậm chí còn không được quy định trong tất cả các tội danh liên quan đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con người và các nhóm tội khác.
Chế tài xử phạt nhẹ nên nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục nhưng không dám lên tiếng. Ảnh minh họa. |
Theo luật sư, Nghị định 167 chỉ nói rằng người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị xử phạt hành chính tối đa 300.000 đồng.
"Nghị định không hề nhắc đến quấy rối tình dục mặc dù hành vi này nhằm làm thỏa mãn tính dục của người gây ra hành vi", luật sư Thiệp phân tích.
Tiến sĩ luật học đồng ý với nhiều ý kiến rằng mức xử phạt 200.000 đồng đối với kẻ sàm sỡ, quấy rối tình dục cô gái trong thang máy chưa tương xứng với điều kiện xã hội cần, với hậu quả xảy ra cho nạn nhân.
Ông Thiệp cho rằng hệ thống luật cần có sự thay đổi về nhận thức, khái niệm đối với hành vi quấy rối tình dục. Thực tế cho thấy, chế tài quá nhẹ dẫn đến nhiều nạn nhân của hành vi quấy rối không dám tố cáo kẻ đồi bại do khó chứng minh vi phạm.
Khuya 4/3, Yến vào thang máy để lên căn hộ trong chung cư Golden Palm thì bị Hùng buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại. Bị từ chối, gã trai dồn cô vào góc, ôm rồi sàm sỡ. Sau khi sự việc xảy ra, Yến trình báo công an sở tại.
Một tuần sau, nạn nhân đề nghị kẻ quấy rối xin lỗi công khai nhưng Hùng đều vắng trong cả 2 buổi gặp mặt. Dù đại diện Công an quận Thanh Xuân gọi điện, anh ta vẫn không đến làm việc.
Chiều 18/3, cơ quan chức năng xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với người đàn ông sinh năm 1982. Công an cũng yêu cầu Hùng không tái phạm.