Liên quan đến việc doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau 2 ôtô hiệu Lexus (có giá hơn 6 tỷ đồng), ngày 23/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký báo cáo khẩn gửi Thủ tướng.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng ôtô cho tỉnh để phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng…
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định việc doanh nghiệp tặng quà sau đó được ứng 25 tỷ đồng chắc chắn sẽ khiến người dân và các doanh nghiệp khác đặt nghi vấn. Vì thế, cần làm rõ động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng quà cho UBND tỉnh là gì.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói về việc cơ quan nhà nước nhận xe tiền tỷ của doanh nghiệp. |
Nhận quà tiền tỷ phải báo cáo Chính phủ
- Mới đây dư luận xôn xao về việc một doanh doanh nghiệp tư nhân tặng tỉnh Cà Mau 2 chiếc xe có giá trị lên đến 6 tỷ đồng. Quan điểm thế nào?
- Việc doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe trị giá lớn như vậy để nhằm mục đích gì chưa thể đưa ra kết luận. Nhưng theo quy định pháp luật, cụ thể là Quyết định 64/2007 của Thủ tướng về vấn đề quy chế tặng quà, nhận quà của cơ quan nhà nước, việc nhận quà phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Đơn vị nhận quà với giá trị cao như vậy phải lập phương án báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước.
Sau khi đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, tài sản đó phải đưa vào tài sản công, phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải làm phương tiện phục vụ cá nhân. Tôi chưa biết về vấn đề này, khi nhận quà, UBND tỉnh Cà Mau đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để xác lập quyền sở hữu nhà nước hay chưa.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Ảnh: Việt Đức. |
- Nhiều người đặt nghi vấn về việc doanh nghiệp tặng quà cho tỉnh Cà Mau để được ưu ái. Ông nghĩ sao?
- Nếu doanh nghiệp tặng tỉnh 6 tỷ đồng để thực hiện việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đầu tư hạ tầng, bệnh viện, trường học… thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, họ lại tặng 2 chiếc “xe sang”. Vì thế, nghi vấn là điều dễ hiểu.
Chắc chắn nhiều người nghĩ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn “biết cách đối xử” với UBND tỉnh sẽ được ưu ái hơn các doanh nghiệp khác.
Theo tôi, UBND tỉnh Cà Mau nên nói rõ cho người dân biết tại sao lại nhận quà giá trị lớn của doanh nghiệp, nhận quà để sử dụng vào việc gì.
- Sau khi tặng quà cho tỉnh Cà Mau, doanh nghiệp này đã được tạm ứng 25 tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng nhà máy xử lý rác. Phải chăng có sự ưu ái ở đây?
- Tôi cũng có nghe nói sau khi tặng 2 ôtô, doanh nghiệp đó được tạm ứng 25 tỷ đồng để xử lý nhà máy rác. Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau khẳng định tiêu chuẩn của doanh nghiệp này được tạm ứng số tiền đó. Vì vậy, việc có ưu ái hay không sau khi tặng quà vẫn chưa thể kết luận được.
Theo tôi, trong sự việc này cần phải làm rõ 3 vấn đề.
Thứ nhất, động cơ, mục đích của doanh nghiệp tặng 2 xe Lexus trị giá 6 tỷ đồng này là gì? Tất nhiên tiền đó là tiền của doanh nghiệp không phải tiền Nhà nước nhưng những năm qua doanh nghiệp đó làm ăn ra sao, có lãi không, lãi bao nhiêu mà có thể tặng quà trị giá lớn như vậy.
Thứ hai phải rà soát lại sau khi nhận quà là 2 chiếc xe, tỉnh có chỉ đạo, văn bản nào ưu ái cho doanh nghiệp đó hay không?
Thứ ba, nhận 2 “xe sang” của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phục vụ cụ thể vào việc công việc gì?
Tôi cho rằng, muốn kết luận việc mục đích tặng 2 hai chiếc xe có trong sáng không phải dễ.
Lexus GX 460 biển số tại nhà xe UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hải Long.
|
Lãnh đạo cấp tỉnh không đi xe tối đa 1,1 tỷ
- Mới đây lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã lên tiếng cho rằng doanh nghiệp tỉnh tặng xe để phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán…?
- Đấy là cái lý của Cà Mau. Nếu có nhu cầu thì tỉnh phải mua xe từ trước chứ sao lại đợi doanh nghiệp tặng?
Bên cạnh đó, ở Cà Mau, nhiều vấn đề còn quan trọng hơn việc xử lý hạn hán như xóa đói giảm nghèo... sao tỉnh không ưu tiên đầu tư trước.
Theo tôi, việc đi giám sát đê điều, hạn hán cũng không cần thiết sử dụng “xe sang” như vậy.
Hơn nữa, theo quyết định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ôtô trong cơ quan nhà nước của Chính phủ, lãnh đạo, cán bộ cấp tỉnh cũng không được phép đi xe trị giá 3 tỷ đồng.
- Cũng liên quan đến ôtô trao tặng, mới đây Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết được một doanh nghiệp tặng một chiếc ôtô trị giá 1,3 tỷ đồng. Ông có thể cho biết theo quy định, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố được phép đi xe trị giá tối đa bao nhiêu?
- Theo quy định mới nhất của Bộ Tài chính, chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ được đi ôtô có giá trị không quá 920 triệu đồng. Bí thư cấp tỉnh nếu là Ủy viên Bộ Chính trị thì được đi xe giá trị tối đa 1,1 tỷ đồng.
Theo tôi, về vấn đề này, cần có một cơ quan xác minh lại thông tin Thành ủy Đà Nẵng tiếp nhận và sử dụng xe trị giá lên đến 1,3 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Bởi Bộ Tài chính đã có quy định rất rõ về từng chức vụ được sử dụng xe trị giá như thế nào.
- Quy trình cơ quan nhà nước tiếp nhận quà tặng từ doanh nghiệp, cá nhân như thế nào?
- Theo Quyết định số 64 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, đầu tiên, cơ quan nhà nước phải thông báo cho doanh nghiệp, cá nhân về việc đồng ý tiếp nhận quà tặng.
Bước thứ hai là báo cáo với cơ quan cấp trên về việc tiếp nhận quà tặng từ doanh nghiệp để đưa tài sản đó vào sở hữu công. Tiếp theo, cơ quan nhà nước phải có bản kế hoạch cụ thể sẽ sử dụng quà tặng đó như thế nào, vào việc gì.
Trong trường hợp không thẩm định được giá của quà tặng, cơ quan được tặng phải đề nghị cơ quan chức năng thẩm định giá.
Theo tôi được biết, riêng với ôtô, cơ quan nhà nước có quyền từ chối tiếp nhận nếu giá trị quá lớn. Hoặc có thể tiếp nhận nhưng phải tổ chức bán lại rồi dùng tiền vào việc công khác.