Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên phòng gym mong Hà Nội sớm cho mở lại dịch vụ

Là các dịch vụ vẫn chưa được phép hoạt động, phòng gym, rạp chiếu phim được nhiều người trong ngành lẫn khách hàng mong ngóng kinh doanh trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

“Chị ơi, phòng gym mình vẫn chưa được mở lại ạ? Em sốt ruột lắm rồi, không biết trụ được bao lâu nữa”.

Những ngày qua, Võ Trà (30 tuổi, quản lý phòng gym) thường xuyên nhận được những tin nhắn như vậy từ các nhân viên, đồng nghiệp tại câu lạc bộ. Bản thân cô cũng không biết phản hồi thế nào vì vẫn chưa nhận được công văn thông báo cụ thể về thời điểm được mở cửa.

“Mọi thứ vẫn im ắng. Bây giờ, những người trong ngành như tôi không còn cách nào khác ngoài tiếp tục chờ đợi, điều chúng tôi đã cố gắng làm suốt 5 tháng nay”, Võ Trà nói với Zing.

Cầm cự

Phòng gym nơi Trà làm quản lý thực hiện đóng cửa theo quy định phòng chống dịch từ ngày 5/5. Mệt mỏi, gắng gượng là những từ cô dùng để miêu tả tình hình của mình và đồng nghiệp thời gian qua.

“Đến thời điểm này, tôi cũng rất chán chường, đôi lúc đã muốn buông xuôi tìm việc khác. Tuy nhiên, vì đồng hành với mọi người đã lâu, cùng nhau trụ đến lúc này, tôi lại tự cổ vũ bản thân và thường xuyên nhắn tin, gọi điện động viên các bạn để cùng vượt qua”.

Trong thời gian đóng cửa, phía phòng gym được chủ nhà hỗ trợ 70% tiền thuê mặt bằng song Trà cho biết con số 30% phải trả vẫn là gánh nặng lớn dành cho chủ đầu tư những tháng qua bởi không hề có nguồn thu.

Vì đã gần nửa năm lao đao do dịch bệnh, một số nhân viên khu lễ tân, bán hàng của câu lạc bộ đã không thể trụ lại và chuyển việc. Theo Trà, đây là tình huống không tránh khỏi song sẽ gây ít nhiều ảnh hưởng bởi khi được kinh doanh lại, cô sẽ phải tuyển dụng, đào tạo người khác từ đầu.

Dù không thể đón khách, thời gian qua, câu lạc bộ vẫn bố trí một tạp vụ ăn ở tại chỗ và đảm nhiệm việc lau dọn, vệ sinh định kỳ để giữ không gian, máy móc sạch sẽ.

“Nhiều người trong ngành nhận định dù bây giờ được mở lại cũng đã vào mùa thấp điểm, mưa, lạnh, khách ngại đi tập. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng và sẵn sàng kinh doanh ngay lập tức khi có thông báo, vừa là đảm bảo quyền lợi cho khách, vừa giải tỏa áp lực cho nhân viên”.

Về công tác chuẩn bị, nếu được đón khách, Trà cho biết ngoài các biện pháp vệ sinh khử khuẩn như các đợt dịch trước, câu lạc bộ sẽ tiến hành giới hạn lượng khách đến tập, yêu cầu giãn cách, khai báo y tế và chứng nhận đã tiêm vaccine để đảm bảo an toàn.

Hàng ngày, Trà và đồng nghiệp vẫn liên tục động viên, hỗ trợ nhau qua nhóm chat, sẵn sàng tinh thần trở lại làm việc.

“Chúng tôi mong ngóng từng ngày, từng giờ, luôn bảo nhau rằng: ‘Đã gắng gượng được đến lúc này rồi, cố thêm một chút nữa thôi’. Nhất định vào ngày được đi làm lại, mọi người sẽ cùng gặp mặt ăn một bữa để chúc mừng”.

Khủng hoảng

Đối với Dương Tuấn Anh (29 tuổi), 5 tháng qua cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp hơn 4 năm làm huấn luyện viên cá nhân của anh.

Ha Noi mo lai phong gym rap chieu phim anh 5

Tuấn Anh làm thêm công việc giao hàng trong thời gian phòng gym đóng cửa. Ảnh: Dương Tuấn Anh.

Để xoay xở khi công việc bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, anh tập trung vào làm PT online và nhận thêm công việc giao hàng. Dù vậy, thu nhập cũng chỉ tạm đủ để anh cầm cự.

“Nhiều người bạn PT tôi quen không trụ được, đều về quê hoặc làm việc khác cả rồi. Tôi cũng không biết mình có thể duy trì bao lâu nữa”.

Căng thẳng, buồn chán, có thời điểm, Tuấn Anh bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, hay có suy nghĩ tiêu cực, lo lắng. Anh cũng có dự định sắp tới sẽ làm thêm hoặc chuyển hướng công việc khác.

“Phòng gym được mở lại chắc chắn là điều tôi mong muốn nhất hiện giờ. Tôi vẫn thường động viên khách hàng cố gắng duy trì, và cũng là động viên cho chính mình nữa”.

Chờ được ăn lại bỏng ngô tại rạp

Trước khi có dịch Covid-19, rạp chiếu phim vẫn là nơi Ngọc Quỳnh (26 tuổi) hay chọn cho các buổi hẹn hò hay tụ tập cùng bạn bè. Với cô, ngoài thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mới, việc đi ăn, xem phim rồi nhâm nhi cốc cà phê sau đó dường như đã là chu trình quen thuộc. Thông thường một tuần, cô sẽ đến rạp 2-3 lần.

Từ khi dịch vụ này phải tạm ngừng tại Hà Nội, dù có nhiều nền tảng xem phim tại nhà, Quỳnh vẫn cảm thấy “thiếu thiếu”, đặc biệt nhớ cảm giác được ngồi trong rạp, ăn bỏng ngô và bàn luận về tình tiết luôn với bạn bè sau khi rời ghế.

Ha Noi mo lai phong gym rap chieu phim anh 6

Quỳnh mong chờ rạp phim được mở lại sau thời gian dài đóng cửa. Ảnh: Chí Hùng.

“Mình biết việc đóng cửa rạp phim cũng như các dịch vụ không thiết yếu khác là điều cần thiết để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, mình hy vọng khi tình hình đã được nhận định đủ an toàn, thành phố sẽ sớm cho mở lại các rạp chiếu phim”.

Tuy nhiên, Quỳnh dự đoán khi các hệ thống rạp chiếu phim được hoạt động lại, lượng người đến xem sẽ đông do nhu cầu giải trí dồn nén lâu ngày. Vì vậy, cô sẽ không vội đến chơi ngay trong ngày đầu mở lại mà đợi ít bữa cho tình hình ổn định, đồng thời cố gắng tránh những khung giờ cao điểm để hạn chế ở quá gần nhiều người lạ.

"Ngoài ra, từ lúc có dịch, mình đã hình thành thói quen luôn đem theo chai nước rửa tay nhỏ bên mình mỗi khi ra ngoài. Sắp tới, dù là đi ăn, cà phê hay rạp phim, phòng gym, mình cũng sẽ duy trì thói quen này dù ở đó có chuẩn bị sẵn hay không để chủ động bảo vệ bản thân bên cạnh dùng khẩu trang".

Chi gần chục triệu đồng mua bí ngô khổng lồ trang trí Halloween

Những quả bí ngô đủ kích cỡ, đặc biệt là loại lớn với cân nặng lên tới vài chục kg là món đồ trang trí được nhiều người tại Hà Nội tìm mua trong dịp Halloween năm nay.

Mai An

Bạn có thể quan tâm