Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên Nhà Trắng chán nản đếm ngược những ngày cuối

Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, không khí tại Nhà Trắng trở nên ảm đạm. Nhiều nhân viên rời đi, trong khi những người ở lại mong hai tuần tới trôi qua thật nhanh.

Tổng thống Trump mất đi sự ủng hộ của nhiều cựu quan chức trung thành trong chính quyền, sau khi ông bị quy trách nhiệm kích động đám đông dẫn đến bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1.

Nhà Trắng của ông Trump cũng đang trong tình trạng hỗn loạn khi các nhân viên bắt đầu đếm ngược những ngày cuối cùng, theo Reuters.

Trong khi đảng Dân chủ dự định khởi động quy trình luận tội ông Trump vào ngày 11/1, nhiều nhân viên Nhà Trắng cảm thấy khó chịu, xấu hổ trước tình hình và mong muốn bỏ lại quá khứ.

Họ phải đối mặt với những lời chỉ trích từ bạn bè, đồng nghiệp. Họ cũng lo lắng về danh tiếng và triển vọng công việc của bản thân.

nhan vien Nha Trang chan nan anh 1

Hàng rào được dựng lên trước Nhà Trắng sau vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội ngày 6/1. Ảnh: Reuters.

Không ai quan tâm đến thành tựu của ông Trump

Một số người từng cân nhắc từ chức trong vài ngày qua. Giờ đây họ quyết định ở lại Nhà Trắng và các cơ quan trực thuộc để giúp đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ.

Họ cũng muốn bảo vệ đất nước trước các động thái hấp tấp của tổng thống hoặc những người thân cận còn lại của ông.

“Ông ấy khiến chúng tôi thất vọng. Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy bị phản bội”, một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều không muốn đáp ứng những chỉ đạo chính sách hoặc thay đổi vào phút chót”, người này nói thêm.

Trong toàn chính phủ Mỹ, các quan chức đang đếm ngược từng ngày cho đến khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc vào ngày 20/1.

“Tôi nghe nói Nhà Trắng đang khủng hoảng. Nhưng tổng thống không lùi bước”, một cựu quan chức Nhà Trắng nói với Reuters.

Ngày 7/1, ông Trump đăng tải video lên tài khoản Twitter, gọi cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội một ngày trước đó là “ghê tởm”.

Ông cũng cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho chính quyền mới.

Tuy nhiên, tổng thống không thừa nhận thua cử hay từ bỏ các tuyên bố không có cơ sở rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Ông Trump cũng không nhắc đến tên tổng thống đắc cử Joe Biden.

Những người thân tín của ông Trump đang cố dời sự chú ý của công chúng khỏi cuộc bạo loạn tại Điện Capitol. Thay vào đó, họ quay lại các chính sách của ông Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

Tuần này, Tổng thống Trump có kế hoạch đến thăm biên giới Mỹ - Mexico trong chuyến đi Texas để ca ngợi các chính sách nhập cư của mình.

Ông Trump cũng sẽ thăm một phần bức tường biên giới được dựng nên để ngăn người di cư vào Mỹ. Đây là chính sách dấu ấn trong cương lĩnh tranh cử của ông Trump hồi 4 năm trước.

Tổng thống cũng sẽ chủ trì các buổi lễ trao Huân chương Tự do tại Nhà Trắng.

nhan vien Nha Trang chan nan anh 2

Ông Trump đứng trước một đoạn của bức tường biên giới ở Arizona. Ảnh: AP.

Trong lần đấu tranh chính sách cuối cùng, tổng thống và các đồng minh đang chống lại quyết định khóa vĩnh viễn tài khoản Twitter của ông Trump vào ngày 8/1 vì kích động bạo lực.

“Khả năng cao là chúng ta sẽ chứng kiến một số hành động bổ sung liên quan đến các công ty công nghệ lớn vào những ngày tới. Bên cạnh đó là những sự gợi nhớ, khắc họa đậm nét di sản từ các chính sách mà Tổng thống Trump đã tiến hành”, Jason Miller, Cố vấn Cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump, cho biết.

nhan vien Nha Trang chan nan anh 3

Tài khoản Twitter của ông Trump đã bị Twitter cấm vĩnh viễn. Ảnh: Reuters.

Một số nhân viên trong Nhà Trắng cho rằng mọi động thái cố làm nổi bật những thành tựu của ông Trump sẽ không tác dụng.

"Không ai quan tâm cả”, một quan chức Nhà Trắng chia sẻ.

"Mọi người đều chán nản. Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ muốn hai tuần tiếp theo trôi qua nhanh", người này nói thêm.

Cái kết cho một mối quan hệ

Bầu không khí trong Nhà Trắng càng trở nên tồi tệ hơn vì quan hệ giữa ông Trump và Phó tổng thống Mike Pence rạn vỡ.

Tổng thống Trump chỉ trích ông Pence không tìm cách ngăn quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử - một việc mà phó tổng thống không có quyền thực hiện.

Ông Trump cũng không thăm hỏi Phó tổng thống Pence sau cuộc bạo loạn tại quốc hội ngày 6/1. Trong vụ hỗn loạn, ông Pence được sơ tán cùng với các nhà lập pháp.

Hai người giờ đây không nói chuyện với nhau, cái kết gây bất ngờ sau bốn năm làm việc chung ăn ý tại Nhà Trắng.

Phó tổng thống Pence từng là chiến binh trung thành của ông Trump qua nhiều cuộc khủng hoảng.

nhan vien Nha Trang chan nan anh 4

Ông Pence từng là đồng minh trung thành của Tổng thống Trump. Ảnh: AP.

Ngày 8/1, ông Pence đã tạm biệt nhân viên trong cuộc họp đầy cảm xúc trước khi nhiều người rời đi vào tuần trước.

Ông Pence cũng trích dẫn lại một câu trong kinh thánh mà Chánh văn phòng của phó tổng thống, Marc Short, nhắn vào sáng 7/1, khi ông Pence chính thức chứng nhận chiến thắng của ông Biden.

“Chúng ta đã chiến đấu hết sức, chúng ta giữ vững niềm tin và chúng ta hoàn thành cuộc đua”, ông Short viết.

Washington lo ngại ông Trump phóng vũ khí hạt nhân vào tuần cuối cùng

Tổng thống Mỹ có quyền điều quân đội đàn áp bất ổn dân sự và phóng vũ khí hạt nhân. Sau cuộc bạo động ngày 6/1, nhiều người lo ngại ông Trump sẽ có hành động gây nguy hiểm cho Mỹ.

Nghị sĩ Pat Toomey: Vi phạm của ông Trump có thể dẫn đến luận tội

Một số đảng viên Cộng hòa thừa nhận ông Trump phạm sai lầm, nhưng việc luận tội là không cần thiết vì tổng thống chỉ còn vài ngày trong nhiệm kỳ.

Như Trần

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm