Đang trở về sau khi sửa một trụ phát sóng di động, kỹ sư David Snowdon bất ngờ bị chặn bởi một chiếc xe hơi. 2 người đàn ông trong xe bước ra, hỏi Snowdon có liên quan gì đến các trụ phát 5G không.
"Không liên quan hoặc gặp rắc rối lớn", một người nói với Snowdon trước khi đập vỡ kính xe của ông rồi bỏ đi.
Các thuyết âm mưu khiến một bộ phận người dân Anh tin rằng mạng 5G gây ra Covid-19 và đi tấn công những trạm phát sóng. Ảnh: AFP. |
"Trụ 5G phát tán virus corona"
Ban đầu, Snowdon nghĩ rằng đó là vụ quậy phá bình thường. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu trên Internet, kỹ sư 56 tuổi mới biết nguyên nhân đến từ những thuyết âm mưu về việc trụ phát 5G phát tán virus corona gây ra dịch Covid-19. Điều đó khiến các kỹ sư viễn thông tại Anh bị tấn công về thể chất lẫn tinh thần trong 4 tháng qua.
Tương tự 3G và 4G, 5G đã trở thành mục tiêu cho những câu chuyện thêu dệt. Sau những tin đồn thất thiệt về mạng 5G gây ung thư, câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các giả thuyết cho rằng trụ phát 5G làm suy yếu hệ miễn dịch, thậm chí phát tán virus corona gây dịch Covid-19.
Dù các nhà khoa học trên thế giới xác nhận thuyết âm mưu về 5G là sai, vẫn có những kẻ quá khích lợi dụng giả thuyết để phá hoại. Một số người nổi tiếng thậm chí lên mạng xã hội ủng hộ thuyết âm mưu về trụ 5G khiến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn.
Khảo sát của Đại học Oxford với hơn 2.500 người dân Anh cho thấy 25% người tham gia tán thành ít nhất một thuyết âm mưu về virus corona.
Có 273 trường hợp đụng độ giữa kẻ phá hoại với các nhân viên viễn thông, và 121 vụ đốt trụ di động được ghi nhận đến nay. Ảnh: AFP. |
Bị lăng mạ khi làm việc
Daniel Freeman, Giáo sư Tâm lý học lâm sàng Đại học Oxford cho biết đại dịch đã tạo ra "điều kiện gần như hoàn hảo" để những thuyết âm mưu này được lan truyền.
Hầu hết chúng ta cho rằng chúng không ảnh hưởng gì đến thế giới thực, song câu chuyện được kể bởi các nhân viên viễn thông dưới đây cho thấy công việc của họ bị ảnh hưởng như thế nào.
Chia sẻ với CNET, Snowdon và một số nhân viên của Openreach, đơn vị chịu trách nhiệm bảo trì cáp viễn thông, cáp di động đã bị lăng mạ dù không hề liên quan đến việc vận hành hay bảo trì hạ tầng mạng 5G.
Một tháp viễn thông bị đốt cháy ở Birmingham, Anh, trong tháng 4. Ảnh: Reuters. |
"Đầu tôi như muốn nổ tung", nhân viên Rhys chia sẻ rằng anh bị một người tiến đến chửi bới trong lúc kiểm tra hộp cáp ngầm.
"Tôi nghĩ rằng ai đó đến để chào hỏi, nhưng người đó bảo tôi là thủ phạm phát tán virus corona và gây bệnh ung thư", Rhys kể lại. Những người ngồi chờ xe bus gần đó cũng tham gia chửi Rhys, nhưng rồi bỏ đi khi chiếc xe bus đến.
Stephen Gibney, kỹ sư Openreach cũng bị một phụ nữ quấy rầy trong lúc làm việc trên đường. Cô ta gỡ tấm chắn rồi dọa sẽ phá hỏng thiết bị. Gibney và đồng nghiệp của anh phải gọi cảnh sát để giải quyết.
Không chỉ chửi bới, kẻ quá khích còn đi xa hơn khi thực hiện những vụ đốt trụ phát di động. Theo thống kê từ Mobile UK, có 273 trường hợp đụng độ giữa kẻ phá hoại với các nhân viên viễn thông, và 121 vụ đốt trụ di động được ghi nhận đến nay.
Liam là một kỹ sư điện, thường được gọi đầu tiên mỗi khi có hỏa hoạn. Nhiệm vụ của anh là bảo vệ những trụ phát sóng, không để người ngoài xâm nhập. Thời gian gần đây, đa số cuộc gọi đến Liam liên quan đến những vụ phá hoại trụ phát di động do thuyết âm mưu về virus corona.
Vụ đốt trụ đầu tiên mà Liam giải quyết là ở Liverpool. Khi đến nơi, anh đã sốc khi thấy người cố gắng đốt trụ phát di động bằng cách đổ xăng xung quanh rồi phóng hỏa từ xa.
Kể từ đó, nhiều vụ phá hoại hơn được ghi nhận, nghiêm trọng nhất là trường hợp ở Derby khiến chính quyền phải sơ tán người dân, đóng đường vì nguy cơ sập trụ phát.
Philip Jansen, CEO nhà mạng BT của Anh cho biết các kỹ sư còn bị hành hung trong khi điều hành cơ sở hạ tầng. Nhà mạng này đã ghi nhận 40 nhân viên bị tấn công về thể chất lẫn tinh thần. Vài nhân viên bị "nhồi sọ" về thuyết âm mưu, đặc biệt có một người bị đâm và phải điều trị tại bệnh viện.
Hình ảnh một người đang đốt trụ phát di động tại Hà Lan. Ảnh: The Associated Press. |
Đốt trụ di động ảnh hưởng đến việc liên lạc của mọi người
Các nhà mạng đã phải đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nhân viên như gỡ logo công ty khỏi các xe tải, tăng cường an ninh tại các trụ phát và đảm bảo nhân viên không làm việc một mình. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều cá nhân liên quan đến các vụ đốt trụ di động, nhưng chỉ có một trường hợp bị kết án.
Ngày 8/6, Michael Whitty, 47 tuổi đã bị kết án 3 năm tù sau khi thừa nhận đốt trụ phát di động của nhà mạng Vodafone tại Liverpool, gây thiệt hại hơn 13.000 USD. Whitty thực hiện vụ đốt sau khi đọc thuyết âm mưu về cột 5G phát tán virus corona trên Internet.
Có tổng cộng 13 trụ phát sóng di động bị đốt tại khu vực Liverpool. Theo đại diện nhà mạng O2, những vụ phá hoại như trên có thể ảnh hưởng đến liên lạc và truy cập Internet của người dùng, và đa số trụ phát bị đốt không phải trụ phát 5G.
"Chúng thường là trụ phát 2G, 3G và 4G, vốn là những thứ quan trọng giúp mọi người liên lạc trong bối cảnh đại dịch bùng phát", đại diện nhà mạng O2 cho biết.
Những vụ phá hoại trụ phát di động tại Anh tăng cao trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh vào tháng 4. Đến nay, dù đã lắng xuống song một số vụ phá hoại lẻ tẻ vẫn diễn ra. Kỹ sư Gibney thừa nhận điều đó làm ông lo lắng về sự an toàn của bản thân trong lúc làm việc.
"Một người nào đó trên đường bất chợt quay sang chửi rủa bạn, và bạn không biết họ sẽ làm gì tiếp theo", Gibney chia sẻ. Rhys cũng có cảm giác lo sợ khi có ai bước đến dù trước đó đã quen với việc trả lời câu hỏi từ mọi người.
Đối với Snowdon, đó là một áp lực mới mà các nhân viện như anh phải đối mặt khi công việc vốn đã khó khăn từ khi đại dịch bùng phát. Tính chất công việc buộc các nhân viên ra ngoài, đối mặt nguy cơ lây nhiễm virus.
Dù mọi thứ đã lắng xuống, Snowdon lo rằng những thông tin sai lệch về 5G vẫn còn đâu đó trên Internet, và có thể gây ra làn sóng phá hoại mới bất cứ lúc nào.