Sau khi có tin đồn một thủ quỹ tên P.T của phòng giao dịch Bãi Cháy, chi nhánh ngân hàng VIB tỉnh Quảng Ninh "biến mất" cùng hơn 400 tỷ đồng huy động của người dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp với VIB thực hiện điều tra.
NHNN kết luận VIB không liên quan tới sự việc lần này cũng như không có thiệt hại gì cho ngân hàng.
Giao dịch cá nhân không thuộc thẩm quyền của ngân hàng
Theo đại diện VIB, sau khi nắm bắt được thông tin, ngân hàng đã cử đoàn từ Hội sở chính xuống để thanh tra, kiểm tra lại các tài sản, giấy tờ liên quan tới hoạt động của Phòng giao dịch Bãi Cháy thời gian qua.
Đoàn đã rà soát tất cả ấn tín, giấy tờ, tài sản và không phát hiện bất cứ thiệt hại gì về phía ngân hàng VIB. Tiền gửi của khách tại ngân hàng đều được đảm bảo.
Đại diện này cũng nói thêm rằng cơ quan chức năng chưa biết chính xác số tiền mà thủ quỹ mang theo khi đi trốn. Đây là khoản tiền nhân viên này huy động bên ngoài và không có sổ sách nên không thể nắm bắt là bao nhiêu. Những con số đưa ra chỉ là tin đồn.
"Những giao dịch giữa các cá nhân với nhau không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIB", đại diện ngân hàng cho hay.
Ngoài ra, kể từ khi tin đồn lan ra đến nay, hoạt động của VIB cũng như các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn diễn ra bình thường. Nhà băng không thấy có hiện tượng khách hàng hoang mang dẫn tới ảnh hưởng hoạt động của mình.
Trả lời câu hỏi liệu có trường hợp nhân viên này nhờ uy tín của ngân hàng hoặc giấy tờ liên quan tới ngân hàng nên mới có thể huy động được nhiều tiền bên ngoài như vậy, vị này cho rằng việc nhân viên T. sử dụng tài liệu, giấy tờ của ngân hàng VIB là hoàn toàn không có.
"Tất cả hoạt động vay mượn huy động của nhân viên P.T chỉ xảy ra ở bên ngoài xã hội. Việc tin vào một người là nhân viên ngân hàng mà có thể gửi nhiều tiền như vậy là không có căn cứ", vị này nói.
Lỗ hổng an toàn từ nhân sự ngân hàng
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng cho rằng: “Có thể vì là cán bộ ngân hàng nên người này mới có thể huy động được nhiều tiền đến như vậy. Cũng không loại trừ trường hợp nhân viên lừa người dân rằng gửi tiền hộ hoặc thẻ giả”.
Theo ông Đức, có không ít trường hợp tương tự trong hệ thống ngân hàng. Những trường hợp như vậy không thuộc trách nhiệm hay thẩm quyền của ngân hàng nên khó có thể nắm bắt được.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định vụ việc cho thấy lỗ hổng về an toàn của hệ thống ngân hàng hiện nay.
“Nó không chỉ xuất phát từ vấn đề kỹ thuật mà còn từ con người trong hệ thống ngân hàng, khâu đào tạo và tuyển dụng. Ngân hàng có lỗ hổng khiến nhân sự không đảm bảo chất lượng có thể len lỏi vào làm việc tại các ngân hàng, làm việc bất chính”, ông Hiếu chia sẻ.
Chia sẻ về hướng xử lý và giải quyết trong trường hợp người dân bị lừa mất tiền, ông Đức cho biết thông thường nếu người dân giao dịch với ngân hàng hoặc ngân hàng cử nhân viên tới tận nhà để giao dịch sẽ có giấy tờ và nếu tiền bị mất người dân sẽ được đền bù đầy đủ. Nhưng nếu là giao dịch cá nhân không có giấy tờ thì khi bị lừa mất tiền, khó có thể đổ lỗi tại ai.
Tiền người dân bị mất chỉ có thể xử lý bằng cách thu hồi tài sản của người vay là cô nhân kia để đền bù theo quy định.
Ông Đức lưu ý, trong trường hợp này đã có dấu hiệu hình sự, người dân cần nhanh chóng tố cáo tới cơ quan chức năng để sớm thu hồi được tài sản.
“Những kẻ lừa đảo luôn muốn gây lòng tin để dễ dàng dẫn dụ. Người dân phải hết sức tỉnh táo, thực hiện đúng theo nguyên tắc của ngân hàng để tự bảo vệ và tránh rủi ro cho mình. Pháp luật có thể bảo vệ người dân về giấy tờ còn khi đã bị mất tiền như trường hợp trên rất khó để thu hồi lại tài sản”, ông Đức chia sẻ.