Tính đến chiều ngày 22/5, thế giới ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, 3.037 bệnh nhân đến từ Thái Lan. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở dịch vụ phải tạm thời đóng cửa, điều này gián tiếp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước Chùa Vàng gia tăng.
Tiếp viên trưởng Kosit Rattanasopon, 37 tuổi, khoác lên mình bộ đồng phục tài xế của hãng xe ôm công nghệ thay vì bộ đồng phục tiếp viên quen thuộc. Nguyên do là hãng hàng không anh đang làm việc phải dừng khai thác chuyến bay. Giờ đây, hàng ngày, anh rong ruổi trên chiếc xe Ducati khắp các nẻo đường Bangkok để giao đồ ăn cho khách.
Một ngày làm việc trong màu áo Grab của Kosit Rattanasopon. Ảnh: Kosit Rattanasopon. |
Thu nhập của Kosit mỗi ngày rơi vào khoảng 1.000 baht, chỉ vừa đủ để trang trải sinh hoạt phí cho bố và em gái. Bên cạnh đó, anh cũng kinh doanh thêm thực phẩm đóng hộp online.
“Tôi biết mọi thứ không thể nào được như xưa, chí ít phải mất một năm nữa. Vậy nên tôi không còn cách nào khác ngoài tiếp tục công việc này”, nam tiếp viên chia sẻ.
Vào năm ngoái, ngành du lịch tại Thái Lan chiếm khoảng 11% GDP nước này. Tuy nhiên, theo dự đoán, năm 2020 sẽ là một năm thâm hụt kinh tế cho du lịch xứ Chùa Vàng do phải đóng cửa biên giới.
Dịch bệnh hoành hành, nhiều nhân sự thất nghiệp, không phải ai cũng may mắn tìm được công việc mới.
Theo thống kê, có khoảng 4 triệu người Thái Lan làm việc trong ngành du lịch. Phần lớn lao động du lịch phải đương đầu với tình trạng mất thu nhập ít nhất là trong vòng một năm tới.
Một trường hợp khác cũng thuộc ngành hàng không, nữ nhân viên dịch vụ mặt đất Thawanan Thawornphatworakul - 36 tuổi - đã biến phòng khách của cô thành tiệm làm đầu.
Trung bình cô có 2-3 lượt khách một ngày, mỗi khách chi trả 150 baht cho một lượt cắt. Thawanan cho biết doanh thu hiện tại không thể bằng mức lương cô nhận được từ công việc cũ, nhưng nó cũng giúp ích phần nào.
“Nguồn thu hiện tại của tôi vừa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu và thanh toán các loại hóa đơn hàng tháng”, cô tiếp lời.
Tạm nghỉ việc do Covid-19, Sermsak Posayajinda - 47 tuổi, thợ lặn - nay chuyển sang buôn bán sốt ớt online theo công thức của mẹ anh.
“Ban đầu đó chỉ là một thú vui trong mùa dịch rảnh rỗi, nhưng kết quả mang lại vượt xa mong đợi, vậy nên tôi quyết định tiếp tục kinh doanh trong thời gian sắp tới”.
Trường hợp kế tiếp là Asaree Jarugosol, 36 tuổi, cung cấp dịch vụ xây lắp sân khấu và cho thuê ghế ngồi. Tuy nhiên trước tình hình tạm dừng hoạt động của các khách sạn và triển lãm, Jarugosol quyết định thay đổi loại hình kinh doanh nhằm cứu doanh nghiệp.
Cô quyết định giữ lại tất cả nhân viên và biến nhà kho thành xưởng sản xuất khẩu trang. Nhà máy có năng lực sản xuất 2.500 chiếc khẩu trang tái sử dụng trong một ngày. Ban đầu, nơi này chỉ cung cấp cho bệnh viện trong nước, nhưng hiện tại, doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu sản phẩm đi các nước nhằm phục vụ “cơn khát khẩu trang” trên thế giới.