Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên Apple ghen tị vì không được chuyển tới trụ sở mới

Không phải nhân viên Apple nào cũng được chuyển về tòa nhà mới trị giá 5 tỷ USD. Sự chọn lọc là tất yếu và người không may mắn cảm thấy như bị phân biệt đối xử.

Tòa nhà phi thuyền 5 tỷ USD của Apple (Apple Park) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nó làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông bởi thiết kế mới lạ, không gian làm việc thoái mái giúp phát huy tối đa khả năng sáng tạo của nhân viên.

Nhưng khi Apple hân hoan chuyển trụ sở tới tổng hành dinh giống chiếc đĩa bay, nhiều nhân viên của hãng chợt nhận ra sự thật phũ phàng: tòa nhà không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Ai được đi, ai ở lại – tất cả tạo nên tin đồn, các cuộc tranh luận gay gắt hay thậm chí hậm hực tại công ty công nghệ lớn nhất thế giới này.

Ghen tuc vi khong duoc chuyen toi toa nha phi thuyen Apple anh 1
Apple mất 5 tỷ USD để xây dựng tòa nhà phi thuyền.

Phân biệt đối xử

Tòa nhà mới hình chiếc bánh vòng chỉ cách trụ sở Cupertino cũ của Apple chừng 5 cây số. Apple hiện có 25.000 nhân viên tại khu Bay Area, trong khi tòa nhà mới chỉ có sức chứa 12.000 người.

Vấn đề ở chỗ, Apple không công khai kế hoạch chuyển nhà trong nội bộ khiến nhiều nhân viên thấy mù mờ, không rõ mình có trong danh sách được chuyển đi hay không.

Số khác biết rằng họ được chuyển đi nhưng không chắc chắn 100% nên đành chờ đợi tới khi có thông tin chính thức. Còn lại cảm thấy như bị bỏ rơi vì không nhận được thông tin chuyển trụ sở.  

“Ở đây, bạn chẳng bao giờ được nói bất cứ điều gì trừ khi bạn cần biết. Và nếu bạn không được chuyển đi, bạn chẳng cần biết làm gì”, một nhân viên Apple nói với Business Insider.

Các nhân viên được chuyển tới Apple Park tỏ ra rất háo hức về những thứ đang chờ đợi họ ở tòa nhà mới. Trong khi số còn lại cảm thấy như bị bỏ rơi.

Đang có sự phân chia thứ hạng giữa nhân viên được chuyển tới nhà mới và số không được đi. Các nhân vật VIP, nhóm nhân viên quan trọng chắc chắn sẽ có suất.

Số này bao gồm các lãnh đạo như CEO Tim Cook, toàn bộ nhóm phát triển phần mềm, giám đốc thiết kế Jony Ive và đội nhóm. Riêng Jony Ive và đội nhóm chiếm trọn các vị trí đẹp nhất tại tầng 4 của tòa nhà.

Các nhóm ít quan trọng hơn như App Store và hoạt động bán lẻ sẽ ở lại tòa nhà cũ. Có nghĩa những người này chỉ tới Apple Park khi có họp hành gì đó.

Một số nhân viên Apple thường phải bắt xe buýt tới trụ sở, rồi sau đó lại phải di chuyển bằng xe tới văn phòng. Tại Cupertino, bạn có thể bắt gặp những chiếc xe tải Toyota và Ford màu bạc chở nhân viên Apple từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. 

Ghen tuc vi khong duoc chuyen toi toa nha phi thuyen Apple anh 2
Các văn phòng trong Apple Park sẵn sàng đón nhân viên chuyển tới.

'Đừng nghen tức với chúng tôi'

Jony Ive, người chỉ đạo quá trình xây dựng trụ sở mới, từng rất bức xúc khi tòa nhà Apple Park bị người ngoài chê bai.

“Chúng tôi không xây Apple Park cho người khác. Một số ý kiến phê bình khá tức tối vì đơn giản tòa nhà này không dành cho họ. Và quan trọng hơn hết, chúng tôi biết mình cần gì, trong khi người khác thì không”, Ive thẳng thắn đáp trả ý kiến trái chiều về Apple Park trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng tại Washington, DC.

Cũng có nhiều nguyên nhân khiến cho một số nhân viên không được chuyển tới trụ sở Apple Park mới. Nhiều dự án đặc biệt của Apple chuyên nghiên cứu các công nghệ về y tế, thực tế ảo và robot thường đặt cách xa trụ sở Apple, chủ yếu vì lý do an ninh và bảo mật thông tin.

Tòa nhà hình vòng tròn có tổng diện tích lên tới 280.000 mét vuông là dự án cuối cùng của Steve Jobs. Vị CEO này từng gọi Apple Park là “tòa nhà văn phòng tốt nhất thế giới”. Thiết kế hình tròn, không gian mở với cửa sổ cực lớn giúp tăng cường sự cộng tác và sáng tạo của nhân viên.

Tuy nhiên, không phải nhân viên Apple nào cũng hào hứng với thiết kế này. Một số kỹ sư quen với văn phòng nhỏ hẹp thường không thoải mái với không gian rộng lớn, quá nhiều tiếng ồn và sự phân tâm.

Thậm chí, một nhóm nhân viên Apple còn đòi xây một tòa nhà làm việc riêng gần Apple Park chứ không muốn chuyển vào tòa nhà phi thuyền này.

Ghen tuc vi khong duoc chuyen toi toa nha phi thuyen Apple anh 3
Nhà hát tại Apple Park có sức chứa lên tới 921 chỗ ngồi, gấp 3 lần hội trường cũ của Apple.

Thiên đường làm việc

Apple Park tràn trề thức ăn, rất nhiều phòng tập gym hiện đại, rạp hát tối tân và cả khu vườn khổng lồ trồng cây ăn trái. Trong khi các tòa nhà vệ tinh chỉ có bữa ăn trưa nghèo nàn từ máy bán hàng tự động.

Các sự kiện đặc biệt như lễ hội bia sẽ được tổ chức tại Apple Park. Điều đó có nghĩa nhân viên tại các tòa nhà vệ tinh phải bắt xe tới trụ sở mới để tham dự cuộc vui. 

“Sự chênh lệch và phân biệt như vậy sẽ tạo nên thứ bậc không mong muốn, công ty mất đi sự gắn kết. Về mặt này, Facebook và Google ăn đứt Apple”, một nhân viên Apple giấu tên bình luận.

Apple tiếp tục công việc xây dựng tại Silicon Valley. Hãng đang xây “tòa nhà phi thuyền thứ hai” tại Sunnyvale, đồng thời đã mua rất nhiều bất động sản khác phục vụ cho chiến lược bành trướng của công ty.

Gia Nguyễn

Bạn có thể quan tâm