Theo thống kê, toàn sàn TP HCM (HOSE) hiện có khoảng 20 mã cổ phiếu có giá tương đương với ly trà đá (3.000 đồng mỗi cổ phiếu). Trong khi đó, sàn Hà Nội (HNX) có 30 cổ phiếu, còn sàn UPCoM có đến hơn 80 cổ phiếu.
Bạo phát, bạo tàn
Lẽ dĩ nhiên, đa phần nhà đầu tư nắm giữ những mã cổ phiếu trà đá này cầm chắc trong tay khoản thua lỗ lớn, vì không ít cổ phiếu từng giao dịch ở mức giá khủng. Đơn cử là mã OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).
Ocean Group niêm yết trên sàn HOSE năm 2010, với giá tham chiếu 30.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tại thời điểm đó, Ocean Group có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, và năm công ty con/công ty liên kết, trong đó có những tên tuổi lẫy lừng như: Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) hay Công ty Chứng khoán Đại Dương. Thế nhưng, sau khi ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp bị bắt năm 2014, cổ phiếu OGC liên tục lao dốc và hiện đang giao dịch với mức giá 3.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Một trường hợp khác là cổ phiếu GTT của Tập đoàn Thuận Thảo, doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Phú Yên. GTT niêm yết sàn HOSE từ năm 2010 với giá tham chiếu 20.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tương tự Ocean Group, cổ phiếu GTT cũng lao dốc không phanh, do ảnh hưởng từ kết quả sản xuất kinh doanh bết bát. GTT hiện đang nằm trong diện kiểm soát, với mức giá 1.100 đồng mỗi cổ phiếu.
Hiện trên thị trường có hàng trăm mã cổ phiếu rẻ hơn ly trà đá. |
Ngày 12/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định tạm ngừng giao dịch trên sàn UPCoM đối với mã cổ phiếu KTB của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc. Điều đáng nói là KTB vừa mới được chấp thuận niêm yết trên UPCoM từ ngày ngày 15/3. Trước đó, KTB bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Những nhà đầu tư có thâm niên chắc hẳn không xa lạ với mã KTB, vốn từng một thời làm mưa làm giá trên thị trường chứng khoán. KTB cũng chào sàn HOSE năm 2010 với giá tham chiếu 50.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này hiện đang có mức giá 1.900 đồng mỗi cổ phiếu sau hàng loạt những sai phạm về công bố thông tin.
Bất ngờ nhận cổ tức khủng
Công ty cổ phần Meinfa (MEF) chào sàn UPCoM năm 2011 với giá tham chiếu 34.000 đồng mỗi cổ phiếu. Sau gần 5 năm góp mặt trên sàn, giá cổ phiếu MEF hiện chỉ còn 900 đồng mỗi cổ phiếu, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Thế nhưng, mới đây, HĐQT của doanh nghiệp này bất ngờ công bố sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2015, với tỷ lệ lên đến 40%. Nghĩa là với mỗi cổ phiếu MEF, cổ đông sẽ nhận được 4.000 đồng.
Ngay khi thông tin này được công bố, MEF trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên sàn UPCoM. Ước tính, với vốn điều lệ 37,5 tỷ đồng thì tính ra MEF phải chi hơn 150 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Được biết, năm 2015, MEF cũng chi trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 30%.
Điều đáng nói là với thị giá hiện tại là 900 đồng mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư nếu mua được cổ phiếu MEF sẽ lãi hơn 3.100 đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận lên đến 340%. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư hăm hở mua vào cổ phiếu MEF chắc chắn sẽ thất vọng, vì đây là một trong những mã cổ phiếu có thanh khoản kém nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo thống kê, trong vài năm trở lại đây, không có bất cứ cổ phiếu MEF nào được giao dịch.
Đầu năm 2016, Công ty cổ phần Muối Khánh Hòa (KSC) công bố thanh toán cổ tức còn lại của năm 2014 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015, với tỷ lệ 10%. Đặc biệt, tại thời điểm đó, giá cổ phiếu KSC chỉ ở mức 300 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, tương tự MEF, cổ phiếu KSC cũng gần như không có thanh khoản, khiến cho nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thu gom cổ phiếu để hưởng cổ tức.