Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhận thức lạc quan giúp Alfred Nobel vượt qua bệnh tật

Nobel nhận ra rằng mẹ phải cất công khó nhọc lắm mới giữ được cậu sống đến hôm nay. Để trả ơn mẹ, cậu phải sống khỏe.

Từ hôm ở nhà máy của bố trở về, Nobel suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách vở. Lúc này, mẹ đã sinh thêm em trai Emil nên thời gian dành cho cậu cũng ít hơn trước.

Nobel hoàn toàn cảm thông với mẹ nên cậu không hề đòi hỏi gì nhiều. Hàng ngày, thầy giáo đến nhà dạy học cho cả ba anh em.

Được sống trong điều kiện kinh tế dư dả nên cứ hễ hết giờ học hoặc hôm nào thầy giáo bận không đến được là hai anh Robert và Ludvig lại rủ nhau lên phố dạo chơi, ra công viên và đến các cửa hàng. Chỉ có Nobel là không thích thú với những trò chơi ấy, tất cả thời gian rảnh, cậu đều dành để học ngoại ngữ.

Ke chuyen cuoc doi cac thien tai anh 1

Cậu yêu thích các tác phẩm văn học và đọc chúng không bao giờ biết chán. Điều này trái với cách suy nghĩ của bố và nó khiến ông thực sự cảm thấy không thoải mái.

Sự mâu thuẫn này đã khiến Nobel rất buồn bã, đôi lúc chán nản. Nhưng nhờ có sự động viên và quan tâm đặc biệt của mẹ nên Nobel cũng đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống, tiếp tục theo đuổi những môn học mình yêu thích.

Thật không may cho Nobel, trong khi bệnh dạ dày chưa chữa được khỏi hẳn thì cậu lại bị mắc thêm căn bệnh mới. Đó là bệnh về cột sống - lúc này Nobel mới 14 tuổi.

Bác sĩ khuyên bà Karolina là phải tạo điều kiện cho cậu nằm càng nhiều càng tốt. Thế là ngay cả khi học, Nobel cũng phải nằm trên giường. Tuy mọi sinh hoạt đều có khó khăn hơn trước, Nobel vẫn rất chăm chỉ học tập.

Có lần, đến bữa ăn nhưng đợi mãi mà không thấy Nobel ra, bà Karolina liền bước vào phòng gọi:

- Nobel! Nobel! Đến giờ dùng bữa rồi con!

Không thấy tiếng trả lời, bà nhẹ nhàng đến bên con trai, thấy cậu đang chăm chú viết lách thứ tiếng gì đó trên giấy, bà lại lặng lẽ đi ra, ngồi đợi. Một lúc sau, trong phòng Nobel vang lên tiếng reo:

- Ôi, tuyệt quá! Tuyệt quá! Voltaire! Voltaire xong rồi!

- Chỉ có mỗi một mình nó ở trong phòng, sao nó lại gọi tên ai thế nhỉ?

Bà mẹ nghĩ bụng rồi vội vã chạy vào, tưởng con mình học nhiều quá nên tinh thần có vấn đề bất ổn, bà hỏi ngay:

- Có chuyện gì vậy Nobel? Con nói chuyện với ai thế?

- Con mừng quá mẹ ơi! Con mừng quá! Nobel ôm chặt lấy mẹ và reo lên.

Bà Karolina vẫn chưa hiểu gì, lại hỏi:

- Chuyện gì thế con?

Nobel phấn chấn nói với mẹ:

- Con đã dịch một tác phẩm văn học của nhà văn Voltaire ra tiếng Nga và tiếng Đức, sau đó con lại dịch trở về tiếng Pháp. Khi đối chiếu lại với bản gốc, con thấy thật tuyệt vời, mẹ à!

Với tư chất thông minh và tinh thần học tập không biết mệt mỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, Nobel đã thông thạo cả bốn ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Đức. Chính thầy giáo cũng phải ngạc nhiên trước sự tiến bộ vượt bậc này của cậu.

Ngoài việc say mê các môn ngoại ngữ, Nobel còn đặc biệt yêu thích môn Văn, thích nhất là thơ ca của Percy Shelley.

Chính tinh thần phản kháng mạnh mẽ của nhà thơ về sự tàn bạo, ngu muội, dốt nát và ham muốn thấp hèn của chính quyền cũ đã thổi vào trong tư tưởng của Nobel một luồng sinh khí mới.

Cậu trở nên yêu đời, yêu cuộc sống, ham muốn chữa khỏi bệnh để có sức khoẻ. Vì cậu hy vọng khi có một sức khoẻ dồi dào, cậu có thể thực hiện được nhiều ước mơ, hoài bão, có thể đấu tranh, bươn chải, kiên cường đối mặt với những thử thách của cuộc đời.

Cũng từ đó, Nobel chú trọng đến việc uống thuốc. Tất cả thang thuốc do mẹ sắc, cậu không bỏ dở hay đổ đi như trước mà uống sạch.

Mỗi buổi sáng, không đợi mẹ phải đánh thức, cậu dậy rất sớm và ra ban công tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Nhìn những chú chim hót líu lo trên cành cây, bộ lông vàng chanh mượt mà của chúng ánh lên bởi những tia nắng ban mai, cậu thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao nhiêu.

Những năm tháng đã qua, sự ốm đau bệnh tật đã làm cho cậu không nhìn thấy cái vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống xung quanh. Bây giờ thấy nó rồi, cậu nhất định phải yêu quý nó, phải cố gắng để giành lấy nó; như cách đây mười mấy năm.

Chính niềm tin và tình thương bao la của mẹ đã giúp cậu khơi lên ngọn lửa khi nó leo lét sắp lụi tàn. Cậu nhận ra rằng mẹ phải cất công khó nhọc lắm mới giữ được cậu sống đến ngày hôm nay, để trả ơn cho mẹ, bản thân cậu phải sống khoẻ, phải làm cho ánh lửa ấy cháy lên rừng rực và cháy mãi.

Với nhận thức lạc quan như vậy cùng thuốc men đều đặn, sức khoẻ của Nobel ngày càng khá hơn. Thấy con trai thay đổi, ông bà Immanuel rất mừng, bà cho người tìm đến tận các thầy thuốc giỏi nhất để cắt thuốc cho con.

Khi thấy trong người đã khoẻ mạnh lên nhiều, Nobel liền nhờ hai anh dẫn mình đi tập bơi. Mới đầu cả Robert và Ludvig đều thấy lạ và lo cho Nobel, nhưng sau thấy em tha thiết yêu cầu nên các cậu cũng đồng ý.

Ba anh em ra con sông lớn có chiếc cầu bắc qua con đường dẫn đến nhà máy của bố. Những ngày đầu “lặn nổi, bơi chìm” không làm cho Nobel chán nản.

Ngoài giờ học cậu vẫn kiên trì tập bơi. Và hai tháng sau, cậu đã tự mình bơi vượt từ bờ sông bên này sang bờ bên kia trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Năm ấy Nobel tròn 16 tuổi. Trong bức thư gửi về cho ông bà ngoại ở Thuỵ Điển, Ludvig đã viết về Nobel với những dòng như sau:

“Nobel lớn nhanh như thổi. Cháu hầu như không nhận ra em nữa. Nó đã cao bằng cháu, giọng nói ồ ồ. Nếu chỉ nghe mỗi giọng nói thôi thì cháu không thể nhận ra được em đâu!”.

Rasmus Hoài Nam / Tân Việt Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY