Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhãn Thái Lan vào Việt Nam sau đó lại sang Trung Quốc

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết không có chuyện nhãn Thái lấn át nhãn Việt mà chủ yếu để tái xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhận được nhiều câu hỏi về việc có thông tin cho rằng nhãn nhập khẩu từ Thái Lan đang ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, nhãn Thái Lan đang lấn át thị trường khiến nhãn nội, đặc biệt xuất xứ Hưng Yên, khó cạnh tranh. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 200.000-300.000 tấn nhãn. Đặc biệt, mỗi tháng có 30-100 tấn nhãn xuất đi Mỹ.

Về việc nhãn Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam lấn át nhãn nội, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng chưa có cơ sở để kết luận. Ông Trung cung cấp thông tin 90% số nhãn được được nhập từ Thái Lan sau đó lại tái xuất sang Trung Quốc. Con số này có được từ việc đối chiếu báo cáo xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

nhan thai lan vao viet nam anh 1
Nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hiếu Công.

Zing.vn cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, về việc nhãn Thái lấn át nhãn Hưng Yên. Ông Thơ cũng phủ nhận thông tin này. Theo ông Thơ, hiện nay, chỉ có một số cơ sở sản xuất long nhãn tại Hưng Yên có nhập khẩu nhãn Thái Lan về sản xuất.

Giá nhãn Thái Lan nhập khẩu về để làm long nhãn đạt khoảng 12.000 đồng/kg. “Hiện nay chỉ có một số ít cơ sở sản xuất của Hưng Yên nhập khẩu nhãn về làm long nhãn. Số lượng cơ sở này không nhiều”, ông Thơ nói thêm.

Cũng theo ông Thơ, nhãn lồng Hưng Yên đang bước vào cuối vụ. Tỉnh Hưng Yên đang trong tình trạng “cháy” nhãn, đã gần hết trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Ông Thơ cho biết vào một số thời điểm, nhãn lồng Hưng Yên có giá lên tới 80.000 đồng/kg.

Hưng Yên có khoảng 3.300 ha nhãn lồng với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 40.000 tấn. Riêng năm 2017 sản lượng giảm hơn mọi năm, chỉ khoảng  32.000 tấn, ước thu được khoảng 900 tỷ đồng.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm