Khi nói đến AI và các chatbot thông minh như ChatGPT, Copilot, Trung Quốc thua xa so với Mỹ. Nhưng nói đến việc đào tạo ra các nhà khoa học đằng sau những công nghệ này, Trung Quốc là nước dẫn đầu.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong một số tiêu chí để trở thành nơi sản sinh những nhân tài AI bậc nhất. Theo số liệu, đất nước tỷ dân tạo ra gần một nửa số chuyên gia AI hàng đầu thế giới. Ngược lại, chỉ có khoảng 18% nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức đại học của Mỹ.
Kết quả này cho thấy một bước nhảy vọt của Trung Quốc, khi mà 3 năm trước nước này chỉ cung cấp khoảng 1/3 nhân tài AI hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Mỹ dường như dậm chân tại chỗ.
Mỹ hưởng lợi từ những bộ óc hàng đầu Trung Quốc
Được thực hiện bởi tổ chức tư vấn MacroPolo, nghiên cứu dựa trên kiến thức nền tảng của các nhà nghiên cứu có bài báo được xuất bản tại NeurIPS. Đây là tạp chí khoa học tập trung vào những tiến bộ trong lĩnh vực mạng lưới thần kinh, động lực đằng sau thúc đẩy những phát triển trong công nghệ AI tạo sinh.
Theo New York Times, tình trạng mất cân bằng nhân tài đã manh nha trong hơn một thập kỷ qua. Trong thập kỷ 2010, Mỹ được hưởng lợi khi lượng lớn những bộ óc hàng đầu của Trung Quốc chuyển đến các trường đại học ở Mỹ để lấy bằng tiến sĩ.
AI tạo sinh là chủ đề chiếm lĩnh ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Phần lớn trong số họ đều ở lại Mỹ. Nhưng nghiên cứu cho thấy xu hướng đó đã bắt đầu thay đổi với số lượng các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở lại quê nhà ngày càng tăng.
Tương lai sắp xảy ra trong vài năm tới được New York Times đánh giá là rất quan trọng khi Trung Quốc và Mỹ đua nhau giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực AI - công nghệ có khả năng tăng năng suất, củng cố các ngành công nghiệp và thúc đẩy tiến bộ đổi mới. Đây cũng là lĩnh vực biến các nhà nghiên cứu thành một trong những nhóm người có vai trò quan trọng nhất về mặt địa chính trị của thế giới.
Trong vài năm trở lại, AI tạo sinh là chủ đề chiếm lĩnh ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc, tạo ra làn sóng đầu tư và tài trợ mạnh mẽ. Sự bùng nổ này được dẫn dắt bởi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google và các start-up mới nổi như OpenAI.
Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ thu hút các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, căng thẳng giữa chính quyền 2 nước cũng có thể ngăn cản một số nhà nghiên cứu chạy theo làn sóng.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã nuôi dưỡng rất nhiều tài năng AI. Một phần là vì họ đầu tư mạnh tay vào mảng giáo dục về trí tuệ nhân tạo.
Từ năm 2018, quốc gia này đã bổ sung hơn 2.000 chương trình đại học liên quan đến AI. Trong đó, hơn 300 chương trình được tổ chức tại các trường đại học ưu tú nhất, Damien Ma, giám đốc điều hành của MacroPolo cho biết. Nhưng phần lớn chương trình này không tập trung nhiều vào công nghệ đứng sau thúc đẩy đột phá các chatbot như ChatGPT.
Hàng loạt chatbot AI ra đời, chạy theo xu hướng trí tuệ nhân tạo gây sốt toàn cầu. Ảnh: iStock. |
"Rất nhiều chương trình là về ứng dụng AI trong công nghiệp và sản xuất. Không nhiều ngành tập trung vào loại AI tạo sinh đang thống trị ngành công nghiệp AI của Mỹ vào lúc này", ông nói.
Thành tựu của Mỹ, nhưng công thuộc về nhà khoa học Trung Quốc?
Mặc dù Mỹ là kẻ tiên phong trong những đột phá về AI, không ít đóng góp của những thành tựu này đều đến từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Các nhà khoa học đến từ Trung Quốc hiện chiếm 38% tổng số chuyên gia AI hàng đầu làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, số người Mỹ chỉ chiếm 37%, theo nghiên cứu. 3 năm trước đó, người Trung Quốc chiếm 27% nhân tài làm việc tại Mỹ, thấp hơn một chút so với 31% của Mỹ.
"Dữ liệu cho thấy tầm quan trọng của các nhà nghiên cứu gốc Trung đối với Mỹ và đặc biệt là đối với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI", Matt Sheehan - thành viên tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đồng thời là chuyên viên nghiên cứu về AI của Trung Quốc - cho biết.
Ông nói thêm rằng dữ liệu cho thấy Mỹ vẫn còn sức hút lớn với các nhà khoa học. “Mỹ là kẻ dẫn đầu thế giới về công nghệ AI bởi họ liên tục thu hút và giữ chân nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc”, chuyên gia chia sẻ với New York Times.
Theo Pieter Abbeel, giáo sư tại Đại học California, Berkeley, đồng thời là người sáng lập start-up robot Covariant, việc hợp tác cùng với rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc là điều hiển nhiên trong các công ty và trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Các học giả Trung Quốc gần như đang dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Ảnh: Shutterstock. |
Trước đây, các quan chức Mỹ không quá quan tâm đến dòng nhân tài AI từ Trung Quốc. Một phần là bởi các dự án AI lớn không sử dụng dữ liệu mật. Phần còn lại là vì họ cho rằng quốc gia cần có những bộ óc thông thái nhất. Việc rất nhiều nghiên cứu hàng đầu về AI được công bố công khai cũng kìm hãm những lo lắng của các nhà chức trách.
Nhưng chỉ mới cách đây vài tuần, một công dân Trung Quốc hiện là kỹ sư tại Google đã bị buộc tội chuyển giao công nghệ AI - bao gồm kiến trúc vi mạch quan trọng - cho một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty này đã bí mật trả tiền cho anh ta, theo đơn kiện.
Do đó, số lượng lớn các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc làm việc tại Mỹ đặt ra một câu hỏi hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách - những người muốn chống lại gián điệp Trung Quốc. Họ không khuyến khích dòng chảy kỹ sư máy tính hàng đầu Trung Quốc ồ ạt đổ vào Mỹ.
"Các học giả Trung Quốc gần như đang dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Nếu các chính trị gia muốn cấm công dân Trung Quốc nghiên cứu tại Mỹ, điều này chẳng khác gì họ đang ‘đào hố hại người, lại chôn mình’”, Subbarao Kambhampati, giáo sư và nhà nghiên cứu về AI tại Đại học bang Arizona, nhận định.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.