"Trong vòng 13 năm, xe hơi quét sạch ngựa thồ khỏi đường phố New York, tốc độ của cách mạng công nghệ luôn rất nhanh và không ai có thể đứng ngoài con đường đó", TS. Oualid Ali, Chủ tịch và nhà sáng lập Future Cities Council nói trong diễn văn mở màn sự kiện Youth Global Forum tại Amsterdam, Hà Lan.
Cuộc cách mạng công nghiệp vô tiền khoáng hậu
Hàng trăm người tham dự từ hơn 42 quốc gia có mặt tại Hà Lan để bàn luận cùng các chuyên gia xoay quanh chủ đề "Tương lai thế giới: giữa ngã ba đường của Công nghiệp 5.0 và phát triển bền vững".
Theo các chuyên gia, chúng ta đang tiến nhanh đến một tương lai nơi máy móc và công nghệ sẽ bắt đầu thay thế con người hoàn toàn trong công việc. Ở đó, con người sẽ phải chọn giữa 2 thế giới, "thiên đường" hoặc "nhà tù" do chính các phát kiến của chúng ta tạo ra.
"5.0 là cuộc cách mạng công nghệ chưa từng có trong lịch sử", TS. Ali nhấn mạnh, "lần đầu tiên trong lịch sử, máy móc có khả năng thay thế trí não của chúng ta, thậm chí giúp chúng ta đưa ra quyết định".
Sự trỗi dậy của A.I khiến nhiều chuyên gia lo lắng, dù tương lai của loài người vẫn còn bất định. Ảnh: YTGlobal |
Đồng quan điểm, GS. Liaoyuan Zeng, Đại học Khoa học Công nghệ Điện tử Trung Quốc cho rằng thực tế công nghệ đã thay thế con người ở nhiều lĩnh vực.
"Nhìn trên quy mô thế giới, chúng ta đã thấy máy móc, A.I đang trồng trọt, nấu ăn, giao hàng tận nhà. Tesla đã có xe tự lái, ở Nhật Bản người ta đã dùng robot dạy học", ông nhận định.
Cùng với sự phát triển của A.I, các lĩnh vực của đời sống ngày càng được lấp đầy bởi lực lượng lao động máy móc, dấy lên nhiều nỗi lo ngại cho các chuyên gia về sự đứt gãy trong xã hội loài người cùng các vấn đề mới mà nhân loại chưa từng gặp phải.
Và tương lai đó chỉ có 2 ngã rẽ.
Hai tương lai của nhân loại
"Utiopia hoặc dystopia, thiên đường hoặc nhà tù, chúng ta cần chọn và sẽ chọn từ bây giờ", TS. Ali chỉ ra ngã ba đường của nhân loại.
Hai viễn cảnh sau cách mạng công nghệ 5.0. |
Ở một hướng, máy móc sẽ thay thế chúng ta trong đa số công việc, nhưng chính từ đó nảy sinh những công việc khác mà máy móc không thể làm được. Từ đó, nhân loại tiếp tục phát triển, sáng tạo để ngày càng hoàn thiện xã hội.
Đây chính là con đường mà nhân loại đã đi qua suốt 4 cuộc cách mạng công nghệ trước đây, mỗi một phát kiến thay đổi nền khoa học, chúng ta lại mở ra những cánh cổng mới để đi đến cuộc cách mạng tiếp theo. Càng ngày, con người càng được tách rời khỏi những công việc nguyên thủy, tay chân để hướng tới những việc làm yêu cầu năng lực tư duy, sáng tạo cao hơn.
"Rise of the Robots" là một tương lai được lo sợ từ lâu trong các phim viễn tưởng, tiểu thuyết, nhưng giờ đang có tiềm năng trở thành sự thật. Ảnh: Kristian Hammerstad. |
Hướng còn lại, con người sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc, những cỗ máy biết suy nghĩ. Ở viễn cảnh này, mọi công việc đều được thực hiện bởi máy móc, con người không còn vị trí nào trong hệ thống lao động, và từ đó trở thành tù nhân của chính sự sáng tạo của mình.
Viễn cảnh này chưa từng có tiềm năng trở thành hiện thực cho đến gần đây, khi chúng ta tiến gần hơn đến trí tuệ nhân tạo.
"Trong 60 năm kể từ khi xuất hiện, A.I dường như chỉ giỏi 3 nhóm kỹ năng: hình ảnh, ngôn ngữ, tư duy logic. Chúng ta chưa từng nghĩ chúng sẽ đạt đến trình độ của loài người trong các lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo, nhưng điều đó dường như không còn đúng nữa", GS. Zeng giải thích.
Ông đưa ra các ví dụ về việc A.I đã có thể sáng tác nhạc giao hưởng, làm thơ, thậm chí A.I của Facebook sáng tạo ra một ngôn ngữ mới khiến họ lo lắng và "ngắt nguồn" 2 bộ não nhân tạo.
Điều này ngày càng làm lung lay sự tuyệt đối trong quan hệ giữa loài người - máy móc.
MuseNET, dự án từ OpenAI có thể sáng tác cái bài nhạc dài 4 phút từ 10 nhạc cụ, được đánh giá là khởi đầu trong việc A.I học tập các kỹ năng sáng tạo. |
Đối phó với cơn lũ công nghệ
"Ngày nay chúng ta nói về A.I như kiểu chúng ta nói về thời tiết, nhưng các bạn có nhớ ấn tượng lớn nhất của tôi về A.I là gì không? Alpha Go từ Google, kẻ đã khiến huyền thoại Lee Se-dol phải giải nghệ", GS. Zang bày tỏ.
Theo ông, Alpha Go chính là ví dụ cho việc nhân loại sẽ bị thay thế ra sao bởi trí tuệ nhân tạo. Và ở đó, chúng ta càng phải nhanh chóng chuẩn bị chính con người cho cuộc cách mạng công nghệ này.
"Cách mạng 5.0 xoay quanh con người, không phải máy móc", TS. Ali giải thích, "việc của chúng ta là chuẩn bị trước, nhìn trước những tình huống, viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai, từ đó đặt ra những quy chuẩn, kiểm soát việc máy móc có thể bị lợi dụng để chống lại một nhóm xã hội nào đó".
Ông lấy ví dụ về việc thuật toán của Google được dạy để trả hình ảnh phụ nữ cho từ khóa "y tá", Facebook nhận diện người da đen là "gorrila", hoặc A.I của Microsoft bị người dùng dạy những lời phân biệt chủng tộc trong chưa đầy 24 giờ.
"Cũng như những thành tựu khoa học khác, A.I có thể là anh hùng hoặc ác quỷ, tùy vào cách người ta dùng nó", GS. Zang kết luận, "chúng ta bị bắt buộc phải đón nhận cuộc cách mạng này, nên hãy học cách yêu thương nó, và đồng thời biết sợ hãi nó".