Một nhóm từ Đại học Brown ở Rhode Island, Mỹ, đã phát triển một hệ thống có tên BrainGate cho phép người dùng kết nối không dây với máy tính thông qua một thiết bị phát đơn giản đặt trên đầu.
Trong bài viết của mình trên tạp chí IEEE Trans Transaction on Biomedical Engineering, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả thử nghiệm trên hai người đàn ông bị liệt do chấn thương tủy sống ở độ tuổi 35 và 63.
Hệ thống hoạt động bằng cách kết nối thiết bị phát tín hiệu trên đầu người dùng với một rơ le điện cực trong vỏ não, thông qua cổng kết nối giống với các hệ thống có dây. Từ đó, người thử nghiệm có thể di chuyển, nhấp chuột và gõ bàn phím máy tính bằng trí não của mình.
Thiết bị phát kết nối với một rơ le đặt trong vỏ não, giúp con người sử dụng máy tính không dây. Ảnh: BrainGate. |
Trong bài kiểm tra, cả hai ứng viên đều có thể đạt được tốc độ đánh máy và độ chính xác của điểm nhấp chuột ngang bằng với hệ thống có dây. Đồng thời, họ có thể sử dụng hệ thống liên tục trong tối đa 24 giờ tại nhà.
John Simeral, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Các tín hiệu được ghi lại và truyền đi với độ trung thực tương tự hệ thống có dây, nghĩa là chúng ta có thể sử dụng chung các thuật toán giải mã mà chúng ta đã sử dụng với các thiết bị có dây thông thường”.
"Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi không còn bị ràng buộc về mặt vật lý với các thiết bị, điều này mở ra những khả năng mới về nghiên cứu trong tương lai", Simeral chia sẻ thêm.
Leigh Hochberg, một thành viên khác trong nhóm cho biết: “Với hệ thống này, chúng tôi có thể xem xét hoạt động của não tại nhà, trong thời gian dài, theo cách mà trước đây gần như không thể thực hiện được. Điều này giúp chúng tôi có thêm cơ hội tạo ra các thuật toán, giúp cho những người bị liệt có thể vận động và làm việc".
Theo Mashable, nghiên cứu nói trên là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực giao tiếp thần kinh, trong đó não bộ của con người được kết nối trực tiếp với máy tính. Gần đây, những tên tuổi lớn trong giới công nghệ như Facebook và Elon Musk cũng bày tỏ sự quan tâm với lĩnh vực này.
Thiết bị đơn giản được đặt trên đầu ứng viên tham gia nghiên cứu. Ảnh: Radiofiji. |
Vào năm 2020, công ty khởi nghiệp Neuralink của Elon Musk từng giới thiệu một con lợn tên Gertrude, với một con chip máy tính được cấy trong não. Hoặc như trước đó vào năm 2021, công ty này cũng thành công trong việc cấy chip vào não khỉ để con vật có thể chơi trò chơi điện tử.
Tuy nhiên, nghiên cứu đầu tiên trên người của Đại học Brown chứng minh rằng công nghệ hoàn toàn có thể được sử dụng không dây, và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta tìm thấy các thiết bị đeo cho phép người khuyết tật giao tiếp và làm việc tốt hơn trong tương lai.