Nhân loại bất lực trước đại họa thiên thạch
Charles Bolden, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, lời khuyên tốt nhất mà cơ quan này đưa ra nhằm xử lý một thiên thạch kích cỡ khổng lồ đang trên đường lao xuống trái đất là “cầu nguyện”.
Trả lời các nhà lập pháp Mỹ, ông Bolden khẳng định, tất cả những gì mà Mỹ hay bất kể quốc gia nào khác có thể làm khi một tiểu hành tinh hay thiên thạch khổng lồ lao xuống trái đất là “cầu nguyện”, bởi chưa một phương pháp nào giúp con người tự bảo vệ mình trước những mối nguy từ khoảng không vũ trụ.
Con người bất lực trước thảm họa từ không gian. |
Tuyên bố của người đứng đầu cơ quan không gian hàng đầu thế giới thực sự gây ra những quan ngại bởi hệ mặt trời của chúng ta đang là nơi thu hút rất nhiều đối tượng bay vô định trong không gian. Chỉ tính riêng trái đất, có hàng ngàn vật thể bay đủ kích cỡ lao xuống mỗi năm nhưng may mắn, chỉ một số ít còn tồn tại trong quá trình ma sát với khí quyển trái đất.
Tuy nhiên, một ẩn họa khác lại đe dọa sự sống trên hành tinh xanh bởi theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 1.000 năm, một tiểu hành tinh có sức hủy diệt lớn lại va chạm với địa cầu. Trong khi đó, NASA đang theo dõi được khoảng 95% những đối tượng bay quanh trái đất, trong đó có không ít tiểu hành tinh có kích thước lên tới 1 km.
Ông Bolden khẳng định, một tiểu hành tinh lớn như vậy sẽ đủ sức xóa sổ toàn bộ dân số nước Mỹ. Thế nhưng, con người sẽ chẳng thể làm gì để ngăn chặn một vụ va chạm tiềm tàng, cho dù thiên thạch được phát hiện từ 3 tuần trước khi va chạm. Những công nghệ mà con người sở hữu không đủ sức ngăn chặn sự hủy diệt từ những khối đá trời.
“Tỷ lệ va chạm ít nhưng thương vong lớn cùng với sự tàn phá khổng lồ mà các thiên thạch gây ra khiến chúng trở nên quá nguy hiểm đối với sự tồn tại của con người. Chính vì lẽ đó, sự hủy diệt từ các thiên thạch luôn là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất mà con người đang phải đối mặt”, John Holdren, cố vấn khoa học của Nhà Trắng chia sẻ.
Trên thực tế, con người từng ghi nhận nhiều bằng chứng về sự khủng khiếp mà thiên thạch gây ra. Trong tháng 2 vừa qua, một thiên thạch nhỏ lọt qua bầu khí quyển và phát nổ trên lãnh thổ nước Nga khiến hơn 1.000 người bị thương cũng như phá hủy các cơ sở hạ tầng trên diện rộng. Tuy nhiên, đây thực sự là điều may mắn bởi thiên thạch kể trên phát nổ trước khi va chạm với địa cầu.
Vào khoảng 66 triệu năm trước đây, loài khủng long vốn thống trị mặt đất nhưng những sinh vật to lớn này lại bị hủy diệt bởi một khối đá đường kính 10 km từ trên trời rơi xuống. Vụ nổ gây ra sức hủy diệt kinh hoàng, khiến loài khủng long biến mất khỏi trái đất đồng thời làm biến đổi toàn bộ môi trường địa cầu.
Gần hơn, sự kiện ở rừng Tunguska, Serbia năm 1908 cũng là một trong những minh chứng cho hiểm họa từ không gian. Vụ va chạm khiến rừng cây nằm trên khu vực rộng 2.150 km2 bị đốn ngã hoàn toàn. Đáng nói, không một dấu vết va chạm nào được phát hiện khiến các nhà nghiên cứu tin rằng, sức mạnh hủy diệt mà thiên thạch này gây ra khi nó phát nổ trên không trung. Nếu xảy ra va chạm trực diện, chắc chắn sức tàn phá sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hồng Duy
Theo Infonet