Ngày 2/1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) thuộc Bộ Giao thông vận tải đã làm lễ thông xe đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai).
Đoạn thông xe là từ đường vành đai 2 (Q.9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20km.
Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh việc thông xe tuyến đường góp phần nâng cao đời sống nhân dân TP.HCM, Đồng Nai và khu vực, đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.
Đồng thời góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian và chi phí vận chuyển…
Cắt băng thông xe kỹ thuật đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. |
Ông Đinh Quốc Thái, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng phát biểu rằng công trình này có ý nghĩa phát triển về kinh tế - xã hội của hai địa phương (TP.HCM, Đồng Nai) và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng được sự mong đợi của người dân và các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Tuyến đường cao tốc cũng giúp thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh Đồng Nai và tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch, nhất là đối với người dân từ TP.HCM đến Vũng Tàu.
Theo ông Mai Tuấn Anh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (chủ đầu tư dự án, việc đưa 20km đầu tiên của tuyến đường cao tốc này vào hoạt động đem lại hiệu quả rõ nét, nhất là rút ngắn thời gian đi lại.
Đến nay công trình đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đã thi công đạt hơn 60% khối lượng, dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình này.
Cũng tại buổi lễ thông xe này, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn đã nhận khuyết điểm vì để xảy ra sự việc ở gói thầu số 3 - công trình làm móng hộ lan (trụ lan can) chưa đúng thiết kế và chất lượng như báo chí đã phản ánh.
Các đơn vị trên cho biết đến nay đã khắc phục xong và toàn bộ công trình đường cao tốc đã bảo đảm chất lượng đúng thiết kế.
Theo VEC, vào lúc 0h ngày 3/1 mới bắt đầu thu phí đường cao tốc như sau: xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt là 40.000 đồng/xe/lượt. Xe 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 60.000 đồng/xe/lượt. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 80.000 đồng/xe/lượt.
Theo VEC, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) cho 6 làn xe lưu thông (có hai làn dừng khẩn cấp). Trước mắt chỉ cho các loại xe ôtô có tải trọng dưới 10 tấn được lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối thiểu 60 km/giờ và tốc độ tối đa 100 km/giờ, chưa cho lưu thông xe tải từ 10 tấn trở lên và xe container.
Ngay sau lễ thông xe vào lúc 10h ngày 2/1, VEC đã cho dòng xe ôtô từ TP.HCM lưu thông vào đường cao tốc hướng về Đồng Nai mà chưa thu phí giao thông. Dự kiến vào lúc 0h ngày 3/1 sẽ cho xe ôtô từ Đồng Nai lưu thông vào đường cao tốc.
Công trình xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư 20.630 tỉ, trong đó gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và vốn đối ứng ngân sách nhà nước.
Theo VEC, năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và tuyến đường cao tốc này sẽ phát huy hiệu quả kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (chuẩn bị đầu tư) với TP.HCM và dự kiến khi đường cao tốc này kết nối lên Đà Lạt thì từ TP.HCM đến Đà Lạt chỉ mất khoảng 3 giờ thay vì 7 - 8 giờ như hiện nay.