Từ ngày 9/9 – 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Bắc bộ tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (Hà Nội).
Một trong những mặt hàng chủ lực được bày bán nhiều tại hội chợ này là nhãn chín muộn. Loại có xuất xứ từ huyện Hoài Đức (Hà Nội) giá chỉ 30.000 đồng/kg và khách mua 5 kg tặng 1 kg.
Theo ghi nhận, loại nhãn này có kích thước to hơn so với nhãn quê, màu vàng sậm, vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt lịm. Trên các chùm nhãn còn lá xanh.
Nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức (Hà Nội) có giá 30.000 đồng/kg vẫn ít người mua. Ảnh: Kiều Vui |
Chủ một quầy bán nhãn Hoài Đức ở hội chợ này cho hay, chỉ đưa một lượng vừa phải ra bán, khi khách mua hết số được bày bán ở quầy họ mới về vườn hái tiếp để đảm bảo nhãn được tươi, ngon.
Ngoài nhãn Hà Nội, tại hội chợ còn bán rất nhiều nhãn Sơn La nhưng giá đến 45.000 đồng/kg.
Dù được giới thiệu là sản phẩm đã được chứng nhận an toàn, chất lượng cao, nhưng lượng khách hỏi mua rất thưa thớt. Nhiều kệ nhãn bán cả ngày vẫn còn nguyên như vừa dọn ra.
Bà Nguyễn Thị Duyên (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay sở dĩ bà không mua nhãn vì không tin đó là nhãn chín muộn của Việt Nam.
“Nếu là nhãn chín muộn, quý hiếm như thế làm gì có giá rẻ như vậy? Gần đây, báo chí cảnh báo nhiều về tình trạng nhãn Trung Quốc đội lốt đặc sản Việt nên tôi rất hoang mang”, bà Duyên nói.
Trong khi đó, chị Hà Linh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết không mua nhãn vì loại trái cây này khá nóng.
Nhãn chín muộn của Sơn La có giá 45.000 đồng/kg cũng không hút khách. Ảnh: Kiều Vui |
Thanh Hoa – nhân viên bán hàng ở đây giải thích giống nhãn mới này năng suất khá cao, lại có kích thước to hơn nên giá thành rẻ.
Về sự chênh lệch giữa giá nhãn Hà Nội và Sơn La, Hoa cho rằng có thể là do chi phí vận chuyển.
“Chẳng hạn cùng là thanh long ruột đỏ, loại có xuất xứ từ Bình Thuận chúng tôi bán 78.000 đồng/kg trong khi các quầy thanh long xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) lại chỉ bán với giá 50.000 đồng/kg”, Hoa dẫn chứng.
Gần đây, thị trường phía Bắc xôn xao thông tin nhãn Miền Thiết, loại nhãn trồng ở Hưng Yên được xử lý bằng xông lưu huỳnh để làm vỏ sạch nấm mốc và cho mẫu mã đẹp, sáng bóng trước khi đưa ra thị trường.
Thông tin này ngay lập tức đã làm cho giá nhãn giảm xuống 50%, người trồng lỗ nặng. Nếu như trước đây họ bán được 20-30 tấn nhãn/ngày thì giờ chỉ còn khoảng 5-7 tấn/ngày.