"The Tinder Swindler", bộ phim tài liệu ăn khách mới nhất của Netflix, đã chứng minh những trò lừa đảo tình ái luôn tồn tại, dù mọi người từng trải qua hay tin nó có thật hay không.
Simon Leviev, kẻ lừa đảo Tinder trong bộ phim tài liệu của Netflix, là người hiểu biết và thông minh, những nạn nhân của hắn cũng vậy. Điều đó chứng tỏ, ngay cả những ai khôn ngoan cũng không hoàn toàn tránh được bẫy hẹn hò qua mạng, theo CNA.
Tinder Swindler lấy bối cảnh ở châu Âu, nhưng những trò lừa đảo tình ái như thế này xảy ra trên khắp thế giới.
Kẻ lừa đảo Tinder tạo vỏ bọc giàu có, cuộc sống xa hoa để khiến nạn nhân sập bẫy. Ảnh: @simon_leviev_official. |
Chiêu trò lừa đảo
Nạn nhân của tên lừa đảo khét tiếng Simon Leviev là những phụ nữ thông minh, độc lập và am hiểu công nghệ. Bản năng đã thúc giục họ tìm kiếm thông tin về người đàn ông này ngay khi "match" nhau trên Tinder và theo dõi tài khoản Instagram của anh ta.
Thông qua sự phô trương trên tài khoản mạng xã hội, kẻ lừa đảo thu hút con mồi không chỉ bởi những điều ngọt ngào qua tin nhắn hay video, mà còn có sự hấp dẫn khi đi du lịch vòng quanh châu Âu, những bữa tiệc sang trọng và tham gia hộp đêm.
Những "dấu hiệu" trên đã khiến các cô gái tin rằng hắn đích thực là người thừa kế của tập đoàn buôn bán kim cương và muốn kết hôn với người đàn ông này. Bởi vậy, khi Simon Leviev nói rằng mình đang bị đối thủ kinh doanh uy hiếp và đe dọa tính mạng, cần có số tiền lớn, các cô gái đã lập tức chuyển tiền để cứu anh ta.
Tương tự các nạn nhân của The Tinder Swindler, không gì tồi tệ hơn khi bạn phát hiện người mình trao tình và cả tiền hóa ra lại là một kẻ lừa đảo, và mình đã bị chiếm đoạt số tiền khổng lồ.
Theo CNA, hầu hết vụ lừa đảo xảy ra ở Singapore không phức tạp như vụ Simon Leviev, nhưng chúng đều diễn ra rất tinh vi và đầy thuyết phục.
Luôn có những kẻ lợi dụng app hẹn hò để lừa tiền người nhẹ dạ. Ảnh: Marina Petti. |
Tại đảo quốc sư tử, chính quyền cho biết thực trạng đáng buồn đang gia tăng, với số vụ lừa đảo tình ái trên Internet tăng từ 345 vụ trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 6 năm 2020 lên 568 vụ trong cùng thời kỳ năm 2021.
Số tiền mà các nạn nhân bị lừa vì lừa đảo tình ái trong giai đoạn này cũng tăng gấp đôi, lên con số khổng lồ là 25,1 triệu đôla Singapore. Nạn nhân bị lừa nhiều nhất là 3 triệu đôla Singapore.
Tháng 11/2021, một cô gái đã gặp kẻ lừa đảo trên ứng dụng hẹn hò Coffee Meets Bagel. Anh ta tự nhận là quản lý đang làm việc cho một công ty năng lượng sạch, có bằng thạc sĩ của trường danh tiếng và mục tiêu ghép đôi là để tiến đến kết hôn.
Chia sẻ trên trang web Scam Alert của Lực lượng Cảnh sát Singapore, nạn nhân cho biết ngày nào hai người cũng nhắn tin, trò chuyện thân mật và đã tỏ tình. Ngay sau đó, đối phương nói về các cơ hội đầu tư và thuyết phục nạn nhân đồng ý gửi 1.000 đôla Singapore vào tài khoản.
Cô gái nhìn thấy lợi ích và đồng ý chuyển khoản nhiều lần. Cuối cùng, ngân hàng của cô phát hiện đây là một trò lừa đảo và trình báo cảnh sát. Cô gái đã thiệt hại 200.000 đôla Singapore.
Theo các chuyên gia, câu chuyện trên chỉ là một trong số vô vàn chiêu trò lừa đảo tình ái trên mạng. Nếu đang tìm kiếm tình yêu, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, bạn nên cẩn trọng.
Dấu hiệu nhận diện "bẫy tình ái"
Tinder và Ứng dụng tài chính của Vương quốc Anh Revolut đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo về kẻ lừa đảo để người dùng cảnh giác hơn.
Dấu hiệu lừa đảo đầu tiên là đối phương nhanh chóng yêu cầu bạn rời khỏi ứng dụng hẹn hò để liên hệ qua phương tiện khác như WhatsApp hay email. Điều này cho thấy họ muốn xóa dấu vết tương tác trên app hẹn hò và muốn lấy thông tin cá nhân của bạn, ví dụ số điện thoại.
Kẻ lừa đảo có thể áp dụng chiêu "love-bombing" - thuật ngữ dùng để chỉ những màn thể hiện tình cảm và sự quan tâm quá mức. Hãy cẩn thận với bất cứ ai nói với bạn rằng cuộc gặp gỡ của hai người là "định mệnh", hứa hẹn quá nhiều hoặc thậm chí nhanh chóng ngỏ lời cầu hôn.
Kẻ lừa đảo thường thể hiện tình yêu nồng nhiệt quá mức nhưng tránh gặp mặt nạn nhân ngoài đời. |
Người muốn lừa dối có thể sẽ đặt nick name đặc biệt cho bạn, giống như họ đặt cho những người khác, để tránh gọi nhầm tên.
Kẻ lừa đảo thường tránh gặp mặt bạn ngoài đời. Những người này sẽ viện lý do để không phải gặp mặt, ví dụ như nói người thân đang ốm đau cần chăm sóc, đây cũng có thể là cớ để họ mượn tiền nạn nhân trong tương lai.
Đừng bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân chi tiết như số hộ chiếu với người mới quen qua mạng.
Xử lý khi sập bẫy
Trong trường hợp bạn đã bị lừa đảo tình ái qua mạng, hãy bình tĩnh báo cáo và làm theo hướng dẫn của cảnh sát.
Nếu bị lừa tiền hoặc mất thông tin cá nhân, hãy báo cáo với cảnh sát ngay lập tức.
Nếu bị lừa đảo thương mại điện tử, hãy báo cáo với quản trị viên nền tảng bạn đang sử dụng.
Nếu tài khoản cá nhân đã bị tấn công hoặc xâm nhập, hãy báo tin cho bạn bè và gia đình của bạn biết ngay lập tức để họ không trở thành con mồi của kẻ lừa đảo.
“Các yêu cầu về tiền bạc sẽ gắn với lý do mang tính cảm xúc cao. Chẳng hạn như kẻ lừa đảo nói chúng cần tiền để phẫu thuật khẩn cấp, chăm sóc y tế hoặc trả tiền vé và giấy thông hành để đến thăm nạn nhân", Richard Bromley, giám đốc rủi ro gian lận của Revolut cho biết.
Nếu phát hiện mình bị lừa đảo tình ái, hãy báo cáo cho cảnh sát ngay lập tức. Ảnh: Shape Magazine. |
Bromley cho biết xu hướng gần đây nhất mà nhóm của ông quan sát được là bọn tội phạm thuyết phục nạn nhân đầu tư số tiền lớn vào các nền tảng đầu tư gian lận với lý do "xây dựng cuộc sống chung".
Những kẻ lừa đảo thường nói dối đang làm việc ở nước ngoài: trong quân đội, bác sĩ hoặc ở giàn khoan dầu.
"Cảm xúc thường tăng cao trong các mối quan hệ tình ái khiến nạn nhân rơi vào bối rối và nhanh chóng làm theo lời những kẻ lừa đảo này. Những mối quan hệ như vậy thường rất bí mật và nạn nhân có thể trở nên tức giận khi được hỏi bất kỳ câu hỏi nào về đối tác của họ", ông nói.
Cuối cùng, vị chuyên gia khuyên rằng: "Trong câu chuyện của tình yêu, đừng để tiền bạc xen vào. Nếu mối quan hệ đó nhanh chóng đi theo hướng hỗ trợ tài chính cho đối phương, hãy dừng lại, dành trái tim bạn cho người tốt hơn".